Hà Nội cần tăng cải cách tư pháp trong các phiên tòa xét xử

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình đề nghị ngành tòa án Hà Nội cần tăng cường cải cách tư pháp trong các phiên tòa xét xử.
Hà Nội cần tăng cải cách tư pháp trong các phiên tòa xét xử ảnh 1Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trước vành móng ngựa. Ảnh minh họa.(Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình đề nghị ngành tòa án Hà Nội cần tăng cường cải cách tư pháp trong các phiên tòa xét xử.

Ngày 23/1, tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án Thủ đô năm 2015, đánh giá công tác thực hiện năm 2014, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu sự thật khách quan của vụ án phải được làm rõ tại phiên tòa thông qua tranh tụng công khai, mọi chứng cứ đều phải được xem xét kỹ càng, mọi tình tiết đều cần được làm rõ tại phiên tòa.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình nêu rõ, hai cấp Tòa án Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, trong đó đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa; xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án hình sự lớn, trọng điểm, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, phấn đấu không để xảy ra kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Tòa án tăng cường công tác xét xử lưu động, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong công tác trả hồ sơ để điều tra bổ sung; làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, tăng cường đối thoại trong công tác giải quyết vụ án hành chính…

Theo đánh giá, quá trình đưa các vụ án ra xét xử, hai cấp Tòa án Hà Nội luôn chú trọng nâng cao chất lượng xét xử, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời.

Các bản án của Tòa án ban hành đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật, được dư luận đồng tình ủng hộ; chú trọng đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, qua tranh luận tại phiên tòa đã phát hiện được tội phạm mới hoặc người phạm tội mới cần điều tra…

Điển hình tại hai vụ án xét xử Dương Chí Dũng và vụ án xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm, Hội đồng xét xử đã quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Thời gian qua, hai cấp Tòa án Hà Nội đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai.

Tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đối thoại trong các vụ án hành chính được nâng cao; công tác xét xử lưu động đạt kết quả tốt, các đơn vị đều hoàn thành vượt chỉ tiêu công tác đề ra; không để xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội…

Trong năm 2014, trong tổng số 25.811 vụ án được hai cấp Tòa án Hà Nội giải quyết, có 225 vụ án bị hủy, giảm 61 vụ (chiếm 21,3%) so với năm 2013. Các vụ án bị hủy chủ yếu là án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, chiếm tới 76%. Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình xét xử, hai cấp Tòa án Hà Nội vẫn bộc lộ một số khuyết điểm, tồn tại cần được rút kinh nghiệm. Điển hình là việc chưa khắc phục triệt để việc bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự; việc phát hành bản án, quyết định trong một số trường hợp còn chậm thời hạn theo quy định pháp luật.

Một số vụ án sau khi tạm đình chỉ, thẩm phán không theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng theo quy định để đưa vụ án ra xét xử, làm cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài, gây bức xúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục