Hà Nội: Đời sống người dân Hiệp Thuận đổi thay mạnh mẽ nhờ cây dâu

Cô Đỗ Thị Hồng cho biết: "Mới hái từ đầu vụ khoảng năm ngày nhưng cũng may là ngày nào thương lái cũng đến mua hết luôn cho, nên trừ chi phí thì gia đình cũng đã thu được khoảng 35-40 triệu rồi."
Hà Nội: Đời sống người dân Hiệp Thuận đổi thay mạnh mẽ nhờ cây dâu ảnh 1Các vườn dâu ở xã Hiệp Thuận (Hà Nội) nằm trên diện tích đất rộng khoảng 2ha, được chia cho 14 hộ dân trồng và thu hoạch hàng năm.

Tháng Tư hàng năm những bãi dâu trên địa bàn xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) lại chín nở rộ, nhuộm một màu đỏ trải dài trên khắp cánh đồng, báo hiệu mùa thu hoạch mới bội thu. Và cũng nhờ phát triển mô hình trồng dâu mà 3-4 năm trở lại đây, đời sống của người dân địa phương đã đổi thay mạnh mẽ.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi cũng tìm thấy khu vực đang thu hoạch dâu của bà con nông dân xã Hiệp Thuận nằm ở bãi bồi ven sông Đáy. Những người nông dân ở đây đang tranh thủ ăn cơm trưa ngay tại vườn để kịp hái cho thương lái đến thu mua lúc cuối chiều.

Anh Đỗ Thuân Dậu vừa tranh thủ ăn cơm vừa chia sẻ: “Năm nay dâu không được mùa như năm ngoái nhưng giá bán thì được gấp 3 lần. Năm ngoái chỉ bán được 5.000 đồng/kg, nhưng năm nay thì bán được 16.000-20.000 đồng/kg, nên chúng tôi phấn khởi lắm."

Bãi trồng dâu ở xã Hiệp Thuận chủ yếu tập ở đất ở cụm 7 và cụm 8 với khoảng 30 hộ trồng. Vào mùa thu hoạch trung bình trung mỗi ngày mỗi nhà thu được khoảng 50kg đến 1 tạ, nhà nào nhiều cây chín thì thu hoạch khoảng 1,5-2 tạ dâu.

[Mô hình sản xuất càphê chồn độc đáo của một thanh niên ở Bình Phước]

Cô Đỗ Thị Thắng đang mải miết bên những cành dâu sai trĩu quả cho biết, nhà cô mới bắt đầu trồng dâu được 3 năm trở lại đây với số lượng 30 cây, trải dài khoảng 700m2.

“Chỉ vất vả chăm sóc khi cây ra cành ra lá thôi, vì sau một mùa thu hoạch thì dân chúng tôi thường đốn cành đi và tưới phân chăm sóc cho cây lớn nhanh. Đến khoảng tháng 12 âm lịch thì cây bắt đầu ra hoa là chỉ tưới nước cho đến lúc ra quả thôi. Chứ giờ hầu hết đều thấy kêu gọi sản xuất theo mô hình an toàn nên dâu được trồng ở đây cũng làm theo hướng đó. Vì không chỉ bán mà gia đình cũng dùng nữa," cô Thắng chia sẻ.

Phải cúi thấp đầu chúng tôi mới có thể lách qua được những chùm dâu chín sai trĩu cành để đi vườn của hộ này sang vườn của hộ khác. Có điều đặc biệt là cùng trên một cành thôi nhưng loại quả này chín không đều, quả xanh quả chín lẫn nhau. Do đó, đòi hỏi người thu hoạch phải tỉ mỉ, kiên trì trẩy lần lượt theo vòng, từ thấp đến cao, từ gốc này qua gốc khác thì mới không sót quả chín và tránh dập nát.

Vì dâu chín khá nhanh và phải hái trong ngày để tránh rụng nát nên khá đông người tập trung ở bãi trồng dâu chung của các hộ. Không khí thu hoạch nơi đây rất nhộn nhịp khi người hái đầy rổ đựng dâu lại hò người mang ra để vào chỗ tập kết thu gom cho thương lái tới thu mua. Vào ngày mùa thu hoạch, mỗi hộ trồng dâu lại phải thuê người hái với mức trả công khoảng 200.000 đồng/người.

Cô Đỗ Thị Hồng có 40 gốc trồng ở cụm 7 chia sẻ: “Nhà tôi phải thuê 5-6 người hái liên tục từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Mới hái từ đầu vụ khoảng năm ngày nhưng cũng may là ngày nào thương lái cũng đến mua hết luôn cho, nên trừ chi phí thì gia đình cũng đã thu được khoảng 35-40 triệu rồi”./.

Bài: Ngân Hà
Ảnh: Công Đạt
(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục