Hà Nội dự kiến sẽ tiếp nhận cách ly trên 10.000 công dân về nước

So với tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở một số nước, Hà Nội đang ở giai đoạn 2 và tuần thứ 2 của dịch bệnh, do đó, nếu không định hình lại để phân bố phù hợp sẽ gây lãng phí thời gian, công sức
Lực lượng vũ trang Thủ đô và nhân dân chuẩn bị khu cách ly. (Ảnh: TTXVN phát)
Lực lượng vũ trang Thủ đô và nhân dân chuẩn bị khu cách ly. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID -19 thành phố Hà Nội tổ chức tối 18/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến trong những ngày tới, thành phố Hà Nội sẽ đón và tổ chức cách ly ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 cho trên 10.000 công dân về nước.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện nay, thành phố đang thực hiện cách ly theo bốn hình thức.

Thứ nhất, thực hiện cách ly để chữa bệnh. Những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Thứ hai, thành phố đang chuẩn bị cơ sở cách ly với quy mô vài nghìn giường tại các bệnh viện của thành phố, sử dụng làm nơi cách ly điều trị khi số ca mắc COVID-19 tăng lên. Vì vậy, các bệnh viện phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế.

Thứ ba là sử dụng các cơ sở của quân đội và lên kế hoạch sử dụng một số công trình để mở rộng quy mô cách ly tập trung, sẵn sàng cho tình huống công dân từ vùng có dịch về nước nhiều hơn. Vì vậy, thành phố cần phải chuẩn bị kỹ về trang thiết bị, công tác hậu cần cho những nơi này.

Cùng với đó, thành phố chuẩn bị khoảng 1.500 chỗ tại các khách sạn để bố trí cách ly cho người nước ngoài và người Việt Nam. Những người thuộc diện “F2“ sẽ cách ly tại nhà. Những người thuộc diện F3, F4 sẽ cảnh báo cho người dân tự phòng ngừa.

Thành phố Hà Nội đã thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, so với tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở một số nước, Hà Nội đang ở giai đoạn 2 và tuần thứ 2 của dịch bệnh. Do đó, nếu không định hình lại để phân bố phù hợp sẽ gây lãng phí thời gian, công sức.  

Phân tích các nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt nguy cơ tiềm ẩn từ số công dân về nước từ trước chưa được cách ly mang mầm bệnh sẽ phát bệnh trong những ngày tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở ngành chức năng, quận, huyện cần hoạch định, đánh giá lại các kế hoạch, kịch bản cho phù hợp với thực tế tình hình dịch bệnh.

Ngành Y tế tăng cường nhân lực và đào tạo cho đội ngũ y tá, bác sỹ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt các quận, huyện không để xảy ra lãng phí nguồn lực và rơi vào tình huống rối như từng xảy ra ở một số nước trong thời gian đỉnh dịch… 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến ngày 18/3, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 15 trường hợp mắc COVID-19, trong đó quận Ba Đình có 8 trường hợp, Hoàn Kiếm 2 trường hợp, Long Biên 2 trường hợp, Cầu Giấy 2 trường hợp, 1 trường hợp quá cảnh tại sân bay Nội Bài.

Hiện cơ quan chức năng đã xác minh được 416 trường hợp tiếp xúc gần (F1), trong đó lấy mẫu xét nghiệm được 406 trường hợp (9 trường hợp đã đi nơi khác). Sở Y tế cho biết, trong 416 người tiếp xúc gần, lực lượng chức năng đã xác định được 403 người âm tính với virus SARS-CoV-2, ba người còn lại chưa có kết quả xét nghiệm.

Các bệnh viện của Hà Nội đang tổ chức, điều trị cho 326 trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính từ các quận, huyện chuyển đến. 

Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, số người từ vùng dịch trở về Hà Nội đang tăng rất nhanh. Do vậy, các lực lượng cần phải giám sát chặt chẽ các ca nghi ngờ, cần phải cho đi cách ly.

Để tăng cường lực lượng cho ngành Y tế trong thời gian tới trong công tác phòng chống COVID-19, Trung tâm phối hợp với Đại học Y Hà Nội huy động sinh viên năm cuối tăng cường công tác xét nghiệm, phòng chống dịch. Đến nay, thành phố đã tiếp nhận khoảng 100 sinh viên năm cuối, viết đơn tính nguyện tham gia phòng chống dịch.

Trước đó, ngày 17/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành  hai Quyết định số 1097 và 1098 QĐ-UBND về việc thành lập khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp cao Hà Nội và khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp.

Hai cơ sở cách ly này đảm bảo về cơ sở vật chất cho công tác cách ly người từ vùng có dịch về hoặc người có yếu tố dịch tễ cần phải cách ly y tế; đảm bảo bảo công tác thành lập và vận hành khu cách ly.

[Bộ Y tế chính thức công bố thêm 7 trường hợp mắc bệnh COVID-19]

Chiều 18/3, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã tiến hành cách ly tập trung 7 công dân của tỉnh có đi cùng chuyến bay với bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 64 và 66; trong đó, có 5 người trên chuyến bay EK 392 (có bệnh nhân số 64) đi từ Doha nhập cảnh Việt Nam vào ngày 12/3; hai người trên chuyến bay BR 395 (có bệnh nhân số 66) đi từ Mỹ tới Toronto-Canada và quá cảnh ở Đài Loan, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 16/3.

Các trường hợp trên đã được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đưa về khu cách ly tập trung tại trụ sở Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Tỉnh ủy (cũ), thành phố Bà Rịa vào chiều 18/3.

Cùng ngày, một du khách quốc tịch Nga (trú tại thành phố Vũng Tàu) đã được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đưa về khu cách ly tập trung, do người này đã đi đến Bỉ và Tây Ban Nha vào ngày 13/3, sau đó bay về Nga, đến ngày 15/3 từ Nga bay về Việt Nam. Đại diện của Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, tính đến tối 18/3, sức khỏe của 8 trường hợp này đều bình thường, không có biểu hiện của bệnh.

Như vậy, tính đến chiều 18/3, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 18 trường hợp được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh. 

Trước đó, hai trường hợp người nước ngoài đi cùng chuyến bay với bệnh nhân 34 được cách ly tại huyện Côn Đảo; ba trường hợp liên quan đến bệnh nhân 48; bốn trường hợp liên quan đến bệnh nhân 54; một trường hợp người Na Uy (công tác trong một công ty tại thành phố Vũng Tàu, có tiếp xúc gần với người bạn dương tính với virus SARS-CoV-2 khi ở Na Uy) đã được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh.

Hà Nội dự kiến sẽ tiếp nhận cách ly trên 10.000 công dân về nước ảnh 1Xe chuyên dụng đang chở các hành khách trên chuyến bay từ các nước ASEAN đến nơi cách ly. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Giám đốc Nhà ga quốc nội, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng Nguyễn Viết Tâm cho biết, trong ngày 18/3, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cách ly toàn bộ hành khách trên các chuyến bay từ các nước ASEAN, đơn vị đã tổ chức đón 11 chuyến bay và thực hiện cách ly với hơn 340 khách.

Toàn bộ khách đến từ các nước ASEAN khi xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng được đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, phân loại các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ và đưa về khu cách ly tập trung do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng chỉ định.

Trong đó, khách quốc tế sẽ được đưa về cách ly tập trung tại một khách sạn trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Hải Châu), người Việt Nam được đưa về các khu tập trung của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng. 

Thông tin về công tác cách ly bệnh nhân người Mỹ mắc COVID-19 (bệnh nhân thứ 68), Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, ngay khi có kết quả xét nghiệm vào chiều 15/3, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp điều tra, thu thập thông tin.

Theo đó, chuyến bay MI632 từ Singapore đến thành phố Đà Nẵng ngày 14/3 có 40 hành khách, tổ bay gồm 10 người. 7 người nước ngoài có tiếp xúc gần với bệnh nhân này, trong đó có 2 người đã đến một khách sạn tại thành phố Đà Nẵng, 5 người di chuyển đến thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Để kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng yêu cầu ngành Y tế tiếp tục điều tra, xác minh những hành khách trên chuyến bay MI632 đang có mặt tại thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác để thông báo, tư vấn các biện pháp theo dõi sức khỏe, thực hiện khai báo y tế điện tử, báo cáo chính quyền địa phương để áp dụng các biện pháp cách ly, can thiệp y tế theo quy định.

Cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19 với chính quyền, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Thiện đã tự nguyện cho thành phố Đà Nẵng mượn toàn bộ Khách sạn Đà Nẵng Riverside để làm nơi lưu trú cho các trường hợp cách ly phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục