Hà Nội khắc phục tồn tại, bất cập trong lĩnh vực môi trường

Thời gian tới, Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân gây phát thải để có biện pháp quản lý, xử lý rác thải
Hà Nội khắc phục tồn tại, bất cập trong lĩnh vực môi trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/6, tại hội nghị giao ban với các quận, huyện, sở, ngành do Thường trực Thành ủy-Hội đồng nhân dân-Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều vấn đề bức xúc trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường đã được các quận, huyện, sở, ngành phân tích thực trạng, nguyên nhân, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để khắc phục.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác xử lý rác thải và vệ sinh môi trường nói riêng trên địa bàn Hà Nội đã được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, quyết liệt thu được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, nước thải vẫn còn gây áp lực lớn tới sự phát triển bền vững môi trường Thủ đô.

Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn có khối lượng lớn nhưng không được phân loại tại nguồn.

Quá trình thu gom, vận chuyển rác thải từ một số địa phương đến khu xử lý rác thải còn xa phát sinh chi phí; việc xử lý rác thải tại các khu xử lý tập trung hoặc các bãi tạm thời vẫn xảy ra tình trạng phát thải, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Việc thu phí vệ sinh ở cấp xã bình quân chỉ đạt 60-80% nên chưa đáp ứng đủ kinh phí phục vụ cho việc thu gom, chưa thu hút được các đơn vị xã hội hóa tham gia trong lĩnh vực này.

Việc xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các huyện, xã còn chậm, thiếu trang thiết bị thu gom của các tổ thu gom tự quản dẫn tới việc thu gom, vận chuyển rác thải trong dân còn gặp nhiều khó khăn.

Nước thải sinh hoạt mới được xử lý một phần nhỏ tại cuối nguồn vì vậy việc ô nhiễm môi trường nước tại đầu nguồn, khu dân cư, khu đô thị chưa được cải thiện rõ rệt.

Trong các khu đô thị mới, các chủ đầu tư còn thực hiện chậm hoặc chưa thực hiện đầu tư công trình xử lý rác thải theo cam kết.

Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố còn chậm, nhiều cơ sở chưa đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào khu xử lý nước thải tập trung của cả khu, thậm chí một số khu, cụm công nghiệp trước đây chưa có quy định bắt buộc đầu tư xây dựng hạng mục xử lý nước thải nên chưa bố trí quỹ đất dẫn đến khó khăn cho việc bố trí các hạng mục công trình xử lý nước thải của khu, cụm công nghiệp.

Nước thải phát sinh từ các làng nghề, trang trại, cơ sở chăn nuôi tại nhiều huyện vẫn chưa được xử lý hoặc xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Các hộ sản xuất trong làng nghề hầu hết nước thải đều thải chung với đường cống thoát nước chung không qua xử lý.

Kinh phí đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường lớn nên một số cơ sở không thể đầu tư xây dựng ngay, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải…

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn, thành phố cần làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân gây phát thải để có biện pháp quản lý, xử lý rác thải và huy động nguồn lực phù hợp; nhân rộng xã hội hóa trong việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt; ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho khu vực ngoại thành, xem xét ban hành cơ chế cho địa phương huy động nguồn vốn cho công tác đầu tư, quản lý và thu gom rác thải; thực hiện phân loại rác từ đầu nguồn trên toàn địa bàn.

Cần đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đến năm 2030; thực hiện các kế hoạch của thành phố về phát triển hạ tầng thoát nước đô thị giai đoạn 2011-2015, kế hoạch về phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải đô thị giai đoạn đến năm 2020…

Để giải quyết các tồn tại, vướng mắc, các quận, huyện kiến nghị thành phố cần rà soát đơn giá, định mức thu gom rác thải, phân cấp toàn diện về công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, cây xanh, chiếu sáng cho các quận, huyện để chủ động trong công tác quản lý và chịu trách nhiệm, tránh chồng chéo.

Thành phố cần kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trong khu đô thị, cần có chế tài xử phạt cụ thể đối với chủ đầu tư; quan tâm đến xử lý nước thải tại các làng nghề; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng hệ thống nước sạch phục vụ người dân các huyện phía Tây thành phố...

Đối với kiến nghị về quy hoạch hệ thống xử lý rác thải, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, hiện nay, các quy hoạch chuyên ngành về thu gom, xử lý rác thải đã rõ ràng, cụ thể cần phải công bố rộng rãi để người dân được biết.

Sắp tới, thành phố cũng sẽ ban hành kế hoạch thực hiện trong 5 năm, chia làm hai giai đoạn đầu tư đến từng khu vực một tại các huyện. Trong Quy hoạch phân khu cũng đã có địa điểm cụ thể các khu vực bãi rác và các trạm trung chuyển tại các quận, huyện.

Thực hiện quy hoạch này, các sở ngành đã xây dựng các văn bản quy phạm. Nhiều kiến nghị của quận, huyện đã được Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường giải thích, tháo gỡ ngay tại cuộc họp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho hợp lý, lựa chọn các dự án ưu tiên để triển khai; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút vốn xã hội hóa; đẩy mạnh đầu tư, rà soát quy chế và cơ chế vận hành; tổ chức thực hiện và tăng cường phân cấp cho các đơn vị, quận, huyện; tăng cường thông tin, tuyên truyền,vận động thuyết phục phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, lên án hành vi tùy tiện xả rác, chất thải chưa qua xử lý; ngặn chặn hành vi phá hoại môi trường, khen thưởng cá nhân thực hiện tốt cũng như xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm.

Các đơn vị chức năng cần xem xét sớm điều chỉnh mức thu phí vệ sinh môi trường cho phù hợp; tăng cường chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình để hoàn chỉnh quy hoạch về vệ sinh môi trường, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật và cả thói quen của người dân.

Bổ sung cơ chế, chính sách và kiện toàn bộ máy, tăng cường công tác phân cấp, phân công trách nhiệm trong lĩnh vực này.

Tiến hành rà soát xung quanh kiến nghị của các quận, huyện, tăng cường đôn đốc tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho dân cư ở khu vực gần dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục