Hà Nội: Khánh thành nhà máy xử lý rác công nghệ lò đốt Martin

Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình được xây dựng ở Đan Phượng, Hà Nội, có tổng mức đầu tư khoảng 270 tỷ đồng, công suất đạt 300 tấn/ngày đêm có tích hợp với modul phát điện.

Ngày 27/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Thành Quang tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội), ứng dụng công nghệ lò đốt Martin. Đây là nhà máy đi tiên phong trong lĩnh vực đốt rác sinh hoạt phát điện tại Việt Nam.

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết việc đưa nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình chính thức đi vào hoạt động có tác dụng giải quyết được vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đan Phượng, các khu vực phụ cận như huyện Hòa Đức, Quốc Oai và rác thải công nghiệp không nguy hại tại các làng nghề, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đây cũng là một sự kiện có ý nghĩa tốt đẹp, góp phần làm xanh, sạch, đẹp Thủ đô, tạo khí thế phấn khởi, sôi nổi trong thời điểm Hà Nội và cả nước chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9.

Theo ông Võ Đặng Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang, ưu điểm của nhà máy xử lý và chế biến rác theo công nghệ Martin là nhà máy được thiết kế khép kín hoàn toàn với hệ thống đốt xử lý mùi hôi và khí sinh học, có công nghệ hồi phun đốt xử lý nước rác thông minh, tỷ lệ chôn lấp thấp và không phát sinh ô nhiễm thứ cấp.

Toàn bộ nhà máy được vận hành thông qua trung tâm điều khiển tự động PLC với công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Hiện công suất xử lý rác của nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình đã đạt 300 tấn/ngày đêm.

Thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và phối hợp với các đơn vị tư vấn công nghệ để xúc tiến việc thiết kế, điều chỉnh dây chuyền công nghệ nhà máy nhằm sớm tích hợp bổ sung modul phát điện với công suất thiết kế từ 4-5MW.

Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình có tổng mức đầu tư khoảng 270 tỷ đồng, ứng dụng theo công nghệ Martin có xuất xứ từ Cộng hòa Liên bang Đức, do Trung Quốc sản xuất chế tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục