Hà Nội loay hoay tìm hướng đi cho trường chất lượng cao

Sau một năm triển khai mô hình trường chất lượng cao, Hà Nội vẫn đang loay hoay tìm hướng để phát triển loại hình trường này, nhất là bài toán về kinh phí, đội ngũ giáo viên ở các trường công lập.
Hà Nội loay hoay tìm hướng đi cho trường chất lượng cao ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Sau một năm triển khai mô hình trường chất lượng cao, Hà Nội vẫn đang loay hoay tìm hướng để phát triển loại hình trường này, nhất là trước bài toán về kinh phí, đội ngũ giáo viên ở các trường công lập. 

Đây là những vấn đề được các hiệu trưởng đặt ra tại Hội thảo Xây dựng phát triển trường chất lượng cao trên địa bản Thủ đô - từ nhận thức đến thực tiễn do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sáng 24/6.

Thu học phí cao nhưng vẫn cần ngân sách

Theo quy định, các trường được công nhận chất lượng cao sẽ chỉ được cấp kinh phí năm đầu tiên, các năm sau sẽ phải tự hạch toán thu chi. 

Trong khi các trường ngoài công lập không gặp nhiều khó khăn khi triển khai mô hình chất lượng cao thì ở các trường công lập, các hiệu trưởng cho biết rất gian nan với vấn đề tài chính.

Vì thế, lãnh đạo các trường công đều đề nghị thành phố tiếp tục cấp ngân sách để đảm bảo chi lương cơ bản cho đội ngũ cán bộ, giáo viên như các trường công khác, thay vì cắt hẳn để trường tự bơi như quy định.

Theo bà Vũ Kim Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10, mức thu học phí hiện tại của trường là 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng. Với mức kinh phí này, nhiều người đã chuyển trường cho con, khiến sỹ số giảm còn 573 trẻ, trong khi theo dự kiến là 591 trẻ.

Năm 2015, trường được cấp hỗ trợ kinh phí một lần bằng mức kinh phí năm 2014 là gần 8,7 tỷ đồng, cộng với mức học phí thu từ học sinh, sau khi trừ các khoản chi, trường chỉ tiết kiệm được 1,6 tỷ đồng cho năm 2016.

“Nếu năm 2016, trường không được ngân sách cấp hỗ trợ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động chất lượng cao và chi trả lương cho đội ngũ cán bộ, giáo viên,” bà Thanh nói.

Đây cũng là lo lắng của bà Nguyễn Ngọc Dự, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Dịch. Bà Dự cho rằng, nếu Hà Nội cắt giảm 100% ngân sách cho trường thì thu sẽ không đủ chi. Trong khi việc tăng học phí là điều rất khó khăn do đời sống của người dân trong khu vực không cao. 

“Từ thực tế của trường, tôi đề xuất khi được công nhận là trường chất lượng cao vẫn được ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ toàn bộ quỹ tiền lương cho cán bộ giáo viên trong biên chế của nhà trường,”  bà Dự nói.

Đây cũng là kiến nghị của các hiệu trưởng khác như bà Lê Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, bà Vũ Hồng Lam, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm.

Không chỉ kiến nghị được tiếp tục cấp kinh phí chi lương cơ bản hàng năm, các hiệu trưởng cũng kiến nghị thành phố sau mỗi giai đoạn từ 3 đến 5 năm sẽ cấp ngân sách để trường nâng cấp cơ sở vật chất của trường. 

Các hiệu trường cũng đề nghị có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho nhà trường hàng năm cử cán bộ, giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức quản lý, phương pháp giáo dục hiện đại tại các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Với các trường đang thực hiện thí điểm, trường đề nghị được kéo dài thời gian thí điểm.

Liệu có đảm bảo công bằng?

Trước các ý kiến nghị này, ông Phạm Xuân Tài, Phó Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, những khó khăn trên chỉ gặp ở các trường công lập khi chuyển sang mô hình trường chất lượng cao. Các trường ngoài công lập hoặc trường công lập tự chủ tài chính không vướng phải những khó khăn này.

Nguyên nhân do các trường công lập vốn chỉ quen làm công tác chuyên môn trong khi các trường tự chủ tài chính đã có kinh nghiệm hơn trong vấn đề này. Vì thế, để phát triển trường chất lượng cao đòi hỏi hiệu trưởng các trường phải tâm huyết và quyết tâm cao.

Hà Nội loay hoay tìm hướng đi cho trường chất lượng cao ảnh 2Theo lãnh đạo các trường, nếu không cấp thêm kinh phí sẽ không đủ để hoạt động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Với các kiến nghị trên của lãnh đạo các trường, ông Tài cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ phải giải trình được với Hội đồng Nhân dân thành phố về các vấn đề mâu thuẫn phát sinh.

Mâu thuẫn thứ nhất, theo ông Tài, nếu nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí thường xuyên liệu có mâu thuẫn với các trường công lập? “Nếu các trường đều được cấp kinh phí thường xuyên, đồng thời được thu thêm nếu phát sinh dịch vụ thì các trường sẽ đều muốn đăng ký trường chất lượng cao,” ông Tài nói.

Thứ hai là nếu các trường vẫn muốn được đầu tư, nghĩa là có nhà nước hỗ trợ đằng sau, trong khi các trường đã được hưởng uy tín từ trường công lập trước đó, thì sẽ có mâu thuẫn trong việc cạnh tranh với các trường ngoài công lập. 

Lo thiếu ngân sách, nhưng chưa lo đội ngũ?

Tham dự hội thảo, sau khi nghe các trường than thiếu tiền, nhiều chuyên gia cho rằng các hiệu trưởng nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đội ngũ giáo viên. Khi có đội ngũ giáo viên tốt, chất lượng đào tạo tốt, khẳng định được chất lượng, dù học phí cao, trường vẫn sẽ thu hút được người học.

Theo ông Vũ Ngọc Phương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô, nếu không có đội ngũ giáo viên tốt thì dù cơ sở vật chất tốt, chương trình tốt cũng không đảm bảo có chất lượng đào tạo tốt. 

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú cũng cho rằng các trường lo bị cắt xén ngân sách, nhưng chưa lo đội ngũ giáo viên trong khi đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.

“Khi đã khẳng định được chất lượng, phụ huynh sẵn sàng thắt lưng buộc bụng đầu tư cho con. Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là một ví dụ, dù học phí cao nhưng để vào trường cũng không dễ dàng,” bà Nhiếp nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục