Hà Nội mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn giá

Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn; chú trọng tới các vùng nông thôn, miền núi, KCN.
Để triển khai chương trình bình ổn giá theo hướng thiết thực, hiệu quả, Sở Công Thương Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa hàng bình ổn đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, đảm bảo mọi người dân đều được thụ hưởng hàng hóa có giá cả ổn định, chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước mắt, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn; chú trọng tới các vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ người dân khu vực nông thôn, người lao động có thu nhập thấp.

Trong khuôn khổ của chương trình năm nay, các doanh nghiệp sẽ tổ chức 38 phiên chợ Việt tại 16 huyện ngoại thành; 400 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã và 24 chuyến bán hàng chính sách xã hội.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã thực hiện được 35 chuyến bán hàng, trong đó có 17 chuyến hàng lưu động ở 10 quận, huyện; 5 phiên chợ hàng Việt và 13 chuyến hàng phục vụ công nhân.

Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các sở ngành khác và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thực hiện đưa hàng hóa vào các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trường học trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho người dân trực tiếp hưởng lợi chương trình và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Công Thương luôn khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhiều mặt hàng trong diện bình ổn giá, tạo sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá phải đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên thị trường, giá cả ổn định.

Năm nay, Hà Nội sử dụng 376 tỷ đồng vốn ngân sách thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu. Chương trình này tập trung vào các nội dung cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả trên thị trường, kích cầu tiêu dùng.

Tổng số vốn này đáp ứng bình quân 8% so với nhu cầu tổng mức 10 nhóm mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn khác chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng để bán ra thị trường, đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ toàn thành phố trong 1 tháng./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục