Hà Nội: Nâng giá trị công nghệ cao chiếm 50% GDP

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đưa giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm tỷ lệ 20% GDP và 50% GDP, tương ứng vào các năm 2015 và 2020.
Ngày 20/8, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho ý kiến đối với Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Thành phố Hà Nội đến năm 2020.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm 20% GDP và 50% vào năm 2020; tốc độ đổi mới thiết bị bình quân 12 – 17%/năm; hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên, Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ....

Đến năm 2020, thành phố hoàn thành 2 đến 3 đô thị đại học, 10 - 15 vườn ươm công nghệ và công viên Khoa học Hà Nội. Các lĩnh vực công nghệ then chốt được tập trung là công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa; công nghệ thông tin...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội đến năm 2020 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Đó là phát triển có chọn lọc một số công nghệ trọng điểm, có tác động lớn đến việc hiện đại hóa các ngành kinh tế - kỹ thuật; tạo điều kiện hình thành một số ngành nghề mới, những công nghệ phát huy được lợi thế về lực lượng lao động, cơ sở vật chất, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu… thuộc 4 lĩnh vực công nghệ then chốt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin.

Chiến lược cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm đối với các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, y dược, quản lý phát triển đô thị và nông thôn mới, lĩnh vực dịch vụ.

Đa phần ý kiến của các thành viên Ủy ban đều khẳng định, khoa học-công nghệ có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa Thủ đô.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, hạn chế lớn hiện nay là chưa tạo được những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học và các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; chưa tạo ra được thị trường khoa học công nghệ.

Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế chính sách khuyến khích khoa học công nghệ phát triển cần được chú trọng; có các giải pháp huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển khoa học công nghệ; xây dựng mối liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, từng bước hình thành thị trường khoa học công nghệ Thủ đô.

Thành phố hàng năm phải lập và công khai danh mục đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao, vườn ươm công nghệ... để thu hút nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước./.

Thanh Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục