Hà Nội: Nhân viên văn phòng bị bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất

Hà Nội đã chính thức trở thành nơi đứng đầu cả nước về số người mắc sốt xuất huyết với gần 20.000 ca mắc bệnh. Đối tượng mắc bệnh nhiều nhất là nhân viên văn phòng, tiếp đó là học sinh, sinh viên.
Hà Nội: Nhân viên văn phòng bị bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất ảnh 1Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, với 14 quận huyện đang trong tình trạng “báo động đỏ.”

[Giám sát việc điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới]

Đáng lưu ý, theo công tác thống kê cho thấy, đối tượng mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là nhân viên văn phòng, tiếp sau đó là học sinh, sinh viên.

Hà Nội đứng đầu cả nước

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo số liệu thống kê đến ngày 21/8, thành phố Hà Nội đã chính thức trở thành nơi đứng đầu cả nước về số người mắc sốt xuất huyết với gần 20.000 ca mắc bệnh.

Thông tin trên được đưa ra trong buổi tập huấn về phòng chống dịch sốt xuất huyết cho tình nguyện viên của hai trường Đại học Y Hà Nội và trường Đại học Y tế công cộng, do Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng 22/8, tại Hà Nội.

Tại cuộc tập huấn, bà Đặng Kim Hạnh – Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội) cho hay, về việc phân bố bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô từ 1/1-14/8 theo nghề nghiệp thì nhân viên văn phòng mắc bệnh sốt xuất huyết chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 34%.

Đứng sau đó là các đối tượng khác như: học sinh (24%), sinh viên (18%), lao động tự do (9%), hưu trí (7%), công-nông dân (4%), trẻ em (4%).

Biểu đồ về tỷ lệ các đối tượng mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội. (Nguồn: Sở Y tế Hà Nội - Đơn vị: %) 

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp. Có một câu hỏi đặt ra là Hà Nội đã làm tốt, làm triệt để, làm mạnh mà dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp? Nguyên nhân là do sự vào cuộc của cộng đồng vẫn chưa triệt để.

Hiện nay, tại Hà Nội có 14 quận nằm trong mức báo động đỏ tại bao gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín và Hoàn Kiếm…

Trong tuần vừa qua số trường hợp mắc mới bệnh không tăng cao so với các tuần trước so có sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, thời gian tới công tác phòng chống dịch sẽ khả quan hơn.


Tăng cường đội giám sát dịch

Tại cuộc tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hiện tại dịch bệnh đang có xu hướng tăng nhanh trong mỗi tuần, đây là loại bệnh đặc biệt nguy hiểm nên cần được giám sát chặt chẽ và xử lý phòng chống với sự chung tay của mỗi cá nhân, tập thể, cán bộ nhân viên y tế.

Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Hà Nội đã thành lập được 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết (mỗi đội từ 2-3 người) và 4.000 tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết (mỗi tổ 2 người).

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng của đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế quyết định điều động nhóm 90 tình nguyện viên tham gia vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội gồm có 70 sinh viên của Trường Đại học Y và 20 sinh viên của Trường Đại học y tế công cộng.

Đại diện Bộ Y tế công bố kế hoạch hoạt động nhóm tình nguyện tham gia chống dịch sốt xuất huyết trong hai tuần kể từ ngày 22/8-4/9.

Các nhóm tình nguyện có nhiệm vụ giám sát, đánh giá hoạt động diệt bọ gậy của các đội xung kích diệt bọ gậy và phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc của đội xung kích cho trưởng đoàn giám sát để có kế hoạch xử lý kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc sinh viên các trường y tế tham gia vào công tác giám sát này là rất quan trọng bởi các bạn là những người có kiến thức về ngành y, đã được học và trải qua các giờ giảng thực tiễn, vì vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng của công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn.

Buổi tập huấn đã cập nhật chi tiết các thông tin từ cách nhận biết những loại muỗi truyền bệnh, chu kỳ sinh sản của muỗi Aedes, thực trạng số ca mắc bệnh, số người tử vong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục