Hà Nội ưu đãi doanh nghiệp Nhật đầu tư xử lý nước, rác thải

Hà Nội sẽ ưu đãi doanh nghiệp Nhật đầu tư xử lý nước và rác thải

Hà Nội sẽ ưu đãi 50% tiền thuê sử dụng đất, miễn 11 năm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư cho xử lý nước và rác thải.
Hà Nội sẽ ưu đãi doanh nghiệp Nhật đầu tư xử lý nước và rác thải ảnh 1Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp ông Nakamuara Tetsunosuke. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Ngày 3/8, ông Nakamuara Tetsunosuke, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật tỉnh Osaka (Nhật Bản) đã có hai cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhân dịp công tác tại Việt Nam.

Ông Nakamuara Tetsunosuke cho biết đây là chuyến công tác đầu tiên tại Việt Nam sau 4 năm. Mục đích chuyến công tác lần này gồm ba nội dung chính: tìm hiểu chính sách thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; thực trạng doanh nghiệp và các doanh nghiệp đang đầu từ vào Việt Nam để tiến tới mở rộng quan hệ hợp tác và cuối cùng là làm sâu sắc hơn, tăng cường mối quan hệ, giao lưu giữa Hà Nội-Osaka.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố gửi lời chúc mừng tới đoàn nói riêng, cũng như nhân dân và đất nước Nhật Bản nói chung thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành tựu khoa học, kinh tế, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới và khu vực châu Á.

Chủ tịch Hà Nội bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những thành quả của đất nước Mặt Trời mọc và những tình cảm, sự hợp tác, hỗ trợ ngày càng lớn mạnh của Nhật Bản dành cho Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết đến nay vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào địa bàn khoảng 24 tỷ USD và đã giải ngân khoảng 20 tỷ; trong đó, phía Nhật Bản là nước có tỷ lệ dự án lớn nhất với 600 dự án, trên 15 tỷ USD. Dự án vay vốn từ Nhật Bản cần kể đến là xây dựng Nhà máy nước sạch công suất 270.000m3 nước/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh hiện nay Hà Nội đang rất nan giải và cấp bách trong vấn đề xử lý rác thải, nước thải, mà thành phố xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong vòng 5 năm tới. Trên địa bàn hiện có 90% rác thải được xử lý theo hình thức truyền thống chôn lấp; xử lý bùn cũng tương tự chủ yếu đổ ra các bãi...

Tỷ lệ người dân ngoại thành được hưởng nước sạch chỉ chiếm 35%, còn lại 65% sử dụng nước từ nước ngầm hoặc qua xử lý thô truyền thống. Vì vậy, Hà Nội đang khuyến khích đầu tư mạnh cho lĩnh vực xử lý rác, nước thải, bùn thải, xử lý nước sạch bằng công nghệ tiên tiến và rất chú trọng vào những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.

Chính phủ Việt Nam cũng như Hà Nội thời gian gần đây đã có nhiều cơ chế ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp, nhưng tới đây sẽ được làm mạnh mẽ hơn, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh được tính bằng con số vài tuần trở xuống.

Nhật Bản có thế mạnh trong xử lý nước ao hồ, sông suối nên cần quan tâm hơn lĩnh vực này ở Hà Nội, khi đầu tư xong đi vào hoạt động, Hà Nội sẽ hợp đồng trả tiền cho mỗi đơn vị đo lường sau khi đã xử lý. Ví dụ, xử lý rác bằng công nghệ đốt thì tiền phí dự kiến khoảng 20-30 USD/tấn rác.

Trước câu hỏi của các thành viên đoàn Nhật Bản rằng các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội sẽ có những thuận lợi gì, ưu đãi gì, ông Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ ưu đãi chỉ thu 50% tiền thuê sử dụng đất, miễn 11 năm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều quyền lợi hỗ trợ cho người lao động nơi đây.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với Hà Nội đã được làm khá hoàn chỉnh, đi lại thuận tiện, nhất là các tuyến quan trọng như Quảng Ninh-Hà Nội; Hải Phòng-Hà Nội; Lào Cai-Hà Nội; Ninh Bình-Hà Nội và cảng hàng không quốc tế sân bay Nội Bài có thể đi thẳng nhiều nước trên thế giới.

Tới đây, Hà Nội đang dự kiến kêu gọi đầu tư tám tuyến đường sắt đô thị, xây dựng đường vành đai 4, vành đai 5 và nhiều cây cầu bắc qua các dòng sông, cũng như nhiều lĩnh vực như chế biến nông nghiệp sạch, lĩnh vực du lịch.

Tại buổi tiếp đoàn của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cũng đề nghị hai tỉnh Osaka và Hà Nội cần mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư giữa hai bên; tăng cường hơn việc trao đổi kinh nghiệm lập pháp, cũng như ở nhiều lĩnh vực mà Hà Nội đang cần đào tạo cho cán bộ tại Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục