Hà Nội tập trung quyết liệt triển khai các dịch vụ công qua mạng

Ngoài việc triển khai dịch vụ công cấp 3 trong lĩnh vực tư pháp tới cấp phường, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xuống cấp xã và quyết liệt triển khai các dịch vụ công qua mạng trong năm 2016.
Hà Nội tập trung quyết liệt triển khai các dịch vụ công qua mạng ảnh 1Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, bà Phan Lan Tú. (Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội)

Mới đây, Hà Nội đã chính thức đưa dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp tại 168 phường và đang tiếp tục triển khai tại các xã thuộc các huyện.

Đây có thể xem là nỗ lực lớn của Thủ đô trong việc đưa công nghệ thông tin cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân thuận lợi khi làm việc với cơ quan công quyền.

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với báo chí xoay quanh vấn đề này.

- Tại Lễ kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông vừa qua, bà có chia sẻ Hà Nội đã đưa dịch vụ công mức độ ba lĩnh vực tư pháp vào các phường. Xin bà nói rõ hơn về vấn đề này?

Bà Phan Lan Tú: Từ đầu năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu thử nghiệm cung cấp dịch vụ công cấp độ 3 lĩnh vực tư pháp ở khối phường. Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm và triển khai cung cấp 7 dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp gồm 4 dịch vụ trong lĩnh vực khai sinh, 3 dịch vụ khai tử tại các quận Long Biên và Nam Từ Liêm.

Trong quá trình triển khai, có những vấn đề phát sinh và chúng tôi đã hoàn thiện dần. Tới tháng Bảy, chúng tôi kiểm tra tận nơi, thấy kết quả tốt mới triển khai diện rộng tới 10 quận còn lại. Quan điểm của thành phố là làm tập trung, đồng bộ và cung cấp những dịch vụ người dân cần thiết trước.

- Hà Nội đã làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân chuyển từ dịch vụ công truyền thống sang trực tuyến?

Bà Phan Lan Tú: Để triển khai dịch vụ công trực tuyến thành công thì sự hưởng ứng của người dân rất quan trọng. Thành phố đầu tư toàn bộ hệ thống đường truyền tập trung, xây dựng trung tâm dữ liệu, thiết bị đầu cuối hỗ trợ cán bộ sử dụng, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức khi nhận nhiệm vụ…, nhưng nếu người dân không hưởng ứng thì rõ ràng công cụ đưa ra sẽ không đạt hiệu quả cao.

Nhận thức được việc này, chúng tôi đã tuyên truyền mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền thông qua đội ngũ hướng dẫn thực hiện khi người dân tiếp cận dịch vụ công tại các phường; phát tờ rơi rộng khắp.

Có những quận như Bắc Từ Liêm còn tổ chức lễ khai trương, phát tờ rơi vẽ sơ đồ các bước thực hiện như thế nào…

Ngoài ra, khi người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến cần có thiết bị. Trong trường hợp chưa có, cơ quan chức năng phải tạo điều kiện cho người dân đến tận nơi thực hiện, hướng dẫn họ dùng phương tiện… Tại các đơn vị có tính sẵn sàng cao đã trang bị máy tính cho người dân đến làm tại địa điểm triển khai dịch vụ công.

Như vậy, người dân sẽ tự quen với các thao tác và thay đổi phương thức giao tiếp với chính quyền.

Chỉ tính từ ngày 10-19/8, tổng số hồ sơ khai sinh nộp trực tuyến là 842, nộp trực tiếp 597 hồ sơ; số lượng hồ sơ khai tử nộp qua mạng là 177, trực tiếp là 220 hồ sơ. Tổng số cả hai lĩnh vực đấy nộp qua mạng là 1.019 hồ sơ, đạt 56%. Chúng tôi nhận định, bước đầu tỷ lệ như vậy là rất tốt.

- Ngoài 7 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp, Hà Nội sẽ triển khai các dịch vụ tiếp theo như thế nào?

Bà Phan Lan Tú: Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản trình thành phố triển khai 132 dịch vụ công qua mạng cho 37 lĩnh vực (37 nhóm thủ tục hành chính) trong năm 2016. Trong đó, có 102 thủ tục cấp sở, 11 thủ tục cấp huyện và 19 thủ tục cấp xã phường.

- Thực tế cho thấy, việc triển khai thành phố thông minh, Chính phủ điện tử luôn có những lo ngại về mất an toàn thông tin, nhất là trong bối cảnh tin tặc ngày càng có những cuộc tấn công mạnh mẽ vào hệ thống mạng của Việt Nam. Về vấn đề này, Hà Nội đã làm như thế nào, thưa bà?

Bà Phan Lan Tú: Thứ nhất là các hệ thống trước đây khi triển khai và việc bảo đảm an toàn có mấy bước là xây dựng quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước.

Thứ hai, về mặt kỹ thuật, Hà Nội triển khai hoàn toàn trên hệ thống mạng WAN dùng riêng và có hệ thống giám sát, cảnh báo khi có virus lạ xâm nhập.

Thứ ba, Hà Nội đã trang bị hệ thống tường lửa, đào tạo cán bộ, quán triệt người sử dụng về bảo đảm an toàn thông tin.

Ngoài ra, Hà Nội cũng tổ chức hai cuộc diễn tập về an toàn thông tin năm 2014 ở cấp thành phố và năm 2015 diễn tập cấp quận, huyện. Đến năm 2016 triển khai dịch vụ công trực tuyến, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu cao và nghiêm ngặt hơn. Trước đây mạng WAN có rồi và chạy trên internet nhưng hiện nay mạng WAN này dùng đường truyền riêng. Các máy tính khi vào mạng WAN này đều được kiểm tra chặt chẽ do ba cơ quan là Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố và Ban Cơ yếu Chính phủ.

- Xin cảm ơn bà!

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4:
là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

(Nguồn: Nghị định số 43/2011/NĐ-CP)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục