Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về quy tắc ứng xử nơi công cộng

Sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về quy tắc ứng xử nơi công cộng ảnh 1Người dân dạo chơi bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Đắc Giang/TTXVN phát)

Sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo tính khách quan, thống nhất trước khi ban hành.

Theo nhận định của nhiều người, việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng là đúng đắn và cần thiết. Tuy vậy, những định hướng nhằm hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung của Hà Nội cần đảm bảo tính thực tiễn, đặc thù trong phát triển bối cảnh hiện đại của thủ đô Hà Nội, để bộ quy tắc có thể tồn tại bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Quy tắc ứng xử không phải là vấn đề mới. Các quốc gia trên thế giới từ lâu đã xây dựng các bộ quy tắc ứng xử. Các bộ, ngành trong nước cũng triển khai nhiều năm qua.

Với Hà Nội, sau nhiều năm hình thành bộ khung, hiện đang triển khai quy tắc ứng xử trong các nhóm đối tượng trong đó có quy tắc ứng xử nơi công cộng. Điều đáng nói, quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội cần phải đặt trong vị trí là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước, có sự ảnh hưởng không chỉ riêng phạm vi Hà Nội mà ảnh hưởng tới cả quốc gia và cả thế giới. Hơn nữa, Hà Nội có nền tảng văn hóa từ hàng nghìn năm qua, việc hình thành các chuẩn mực ứng xử phải giữ được căn cơ ấy, hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Đó là cái khó đặt ra với cơ quan soạn thảo bộ quy tắc ứng xử.

Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, thành viên Hội đồng phản biện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội cho rằng xây dựng hành vi ứng xử chuẩn mực không chỉ riêng cho người dân Hà Nội mà hành vi này sẽ được cả nước và bạn bè thế giới nhìn vào. Nói cách khác, nó sẽ trở thành mẫu mực chung cho cả nước, tạo thiện cảm và sức hút đối với bạn bè quốc tế.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khi xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một thành phố biểu trưng về mọi phương diện văn hóa của quốc gia Việt Nam, phải đặt Thủ đô trong mối tương quan văn hóa với tổng thể đất nước. Tuy nhiên, ở bộ quy tắc ứng xử này, ngay từ đầu, đã không đặt văn hóa Hà Nội là văn hóa của một Thủ đô có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, vào trong lòng văn hóa quốc gia Việt Nam có lịch sử vài ngàn năm. Mối liên quan văn hóa này lẽ ra phải đặt lên hàng đầu và phải trở thành cơ sở văn hóa cho việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội.

Phó Giáo sư, tiến sỹ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đưa ra ý kiến, quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội phải quy chuẩn hóa sự ứng xử của người Hà Nội, với tư cách là công dân đô thị, trong ứng xử với môi trường tự nhiên và ứng xử với môi trường xã hội của chính Hà Nội. Nếu không thực sự thiết kế Bộ quy tắc này trên cơ sở văn hóa ấy về ứng xử sẽ rất có thể, bộ quy tắc này sẽ không đi được vào cuộc sống đặc thù của Thủ đô Hà Nội và có nguy cơ trở thành biện pháp tình thế, mang tính cục bộ, không thể trở thành phương pháp mang tính chiến lược quốc gia như nó cần phải thế, của một bộ quy tắc chung cho ứng xử nơi công cộng, trước hết là cho người Hà Nội, sau đó là cho cả quốc gia. Hà Nội đương nhiên phải phát triển thành Thủ đô văn minh, lịch sự.

Không giống dự thảo bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội trước đó, có phạm vi hẹp hơn, đã gây tranh luận và đã được biên tập, dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội không gây quá nhiều tranh cãi về các quy tắc ứng xử, song vẫn còn không ít băn khoăn của cả các chuyên gia và người dân.

Là người quan tâm đến dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng, bác Nguyễn Trọng Nghĩa, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ (Hà Nội) chỉ ra rằng, bộ quy tắc có nhiều vấn đề chung chung, khó hiểu và khó thực thi. Ví dụ, quy tắc ứng xử chung có đề nghị không mặc trang phục hở hang, gây phản cảm nhưng khó định nghĩa được thế nào là hở hang; ở nhà hàng, quán ăn, các điểm vui chơi, tham quan không thể quy định mặc giống ở các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, bảo tàng, thư viện. Hay quy tắc tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị không nên mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vậy làm cách nào để người dân nhận biết được hàng giả, hàng kém chất lượng để tránh.

Nhiều người cũng chỉ ra, khi nêu nguyên tắc chung, dự thảo phải có giải thích, cụ thể hóa để tương đồng với từng quy tắc một. Hiện nay, dự thảo chưa có sự giải thích và trong biên soạn còn dùng thuật ngữ không được cụ thể hóa nên xảy ra tình trạng các quy tắc còn mâu thuẫn nhau, nhiều từ ngữ khó hiểu, chưa được mọi người tán thành. Vì vậy, việc tuyên truyền, giải thích để người dân đồng thuận trong nhận thức và để việc thực thi được suôn sẻ cần có những hình thức tuyên truyền phổ cập nhất...

Phó giáo sư, tiến sỹ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng người Hà Nội đang chuyển động một cách tự nhiên trong văn hóa ứng xử hàng ngày của mình với môi trường sinh thái tự nhiên và xã hội của chính Thủ đô Hà Nội, trong hoàn cảnh đặc thù của nó. Chính trong sự chuyển động, vận hành tự nhiên ấy cũng đã có sự tự thanh lọc những cái xấu xí, phản tiến bộ. Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng định hướng văn hóa ứng xử cho người dân theo hai mặt “nên làm” và “không nên làm” một cách chung chung; bởi đã là quy tắc sẽ khó mà đưa ra được lựa chọn tự do, nên và không nên. Đưa ra như vậy sẽ không thể đưa ra hình phạt và chưa xuất phát từ sự sinh động của phát triển thực tiễn. Nế́u thiếu tính thực tiễn, tính khả thi của bộ quy tắc sẽ không cao.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái, việc đưa ra quy tắc này cần tiếp tục được cân nhắc và điều chỉnh; nên kết hợp chặt chẽ, hữu hiệu với truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cần nhất là điều chỉnh phù hợp thực tiễn phát triển sinh động của Hà Nội, tránh chung chung, không thuyết phục, trước hết là đối với người dân Hà Nội.

Sau thời gian lấy ý kiến rộng rãi, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận được gần 20.000 ý kiến đóng góp của người dân vào Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cơ quan chức năng và gần đây là của nhân dân, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến và đã đưa ra dự thảo bộ quy tắc ứng xử lần cuối. Về cơ bản, các ý kiến đều ủng hộ, tuy vậy vẫn có ý kiến còn băn khoăn và cơ quan soạn thảo vẫn cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Dự kiến cuối tháng 2/2017, bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được ban hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục