Hạ viện Italy chính thức thông qua đạo luật "ly dị cấp tốc"

Phải 41 năm kể từ ngày tiến hành trưng cầu dân ý, mất 10 năm kể từ ngày bắt đầu được đưa lên bàn nghị sự trong Quốc hội, cuối cùng, luật ly dị "cấp tốc" của Italy đã được Hạ viện thông qua.
Hạ viện Italy chính thức thông qua đạo luật "ly dị cấp tốc" ảnh 1Hạ viện Italy thông qua đạo luật ly dị mang tính cách mạng. (Nguồn: La Repubblica)

Phải 41 năm kể từ ngày tiến hành trưng cầu dân ý, mất 10 năm kể từ ngày bắt đầu được đưa lên bàn nghị sự trong Quốc hội, cuối cùng, luật ly dị "cấp tốc" của Italy đã được Hạ viện nước này thông qua hôm 22/4 với 398 phiếu thuận, 28 phiếu chống và 6 phiếu trắng.

Luật ly dị mới cho phép giải quyết ly dị nhanh hơn trước, nhằm tránh các vụ xử kéo dài quá nhiều năm, tạo ra một trở ngại rất lớn đối với những người thực sự không còn muốn sống chung với nhau nữa.

Theo luật mới, được báo chí Italy đặt biệt danh là "ly dị cấp tốc," thời gian để ly thân để tòa án xét cho chính thức ly dị giảm xuống còn một năm, thay vì ba năm như trước đây, nếu như vợ hoặc chồng, hoặc cả hai đưa đơn ra tòa. Tuy nhiên, nếu như cả hai cùng đồng ý ly dị, thời gian để xét cho việc xóa bỏ hôn ước được rút xuống chỉ còn 6 tháng. Chưa hết, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản chung cũng có thể được tiến hành ngay trong thời gian ly thân.

Theo báo chí Italy, việc thông qua được luật ly dị mới, với số lượng phiếu đa số là thuận, được coi là một bước ngoặt vô cùng quan trọng về pháp lý trong việc "tiến tới một xã hội dân sự công bằng và văn minh hơn."

Nhật báo Corriere della Sera cho rằng Italy đã đi chậm hơn rất nhiều các nước khác trong việc bảo vệ quyền con người trong vấn đề ly dị. Cho tới trước khi có luật mới, hầu hết các cặp ly dị phải chờ ít nhất ba năm kể từ ngày ly thân mới được xét ly dị, trong một quá trình rất nhiêu khê kéo dài nhiều năm nữa mà chưa kết thúc, với nhiều vụ kéo dài tới 10 năm hoặc hơn, gây ra rất nhiều phiền toái cho các cá nhân muốn đi tìm hạnh phúc mới.

Không ít các vụ án mạng đã xảy ra sau khi một trong hai bên quá mệt mỏi với sự kéo dài của việc xử ly dị và tìm đến giải pháp bạo lực.

Đầu thế kỷ 20, Italy chỉ cho phép ly dị trong trường hợp xác định được có ngoại tình hoặc quan hệ sứt mẻ không thể hàn gắn nổi. Đến thập niên 1960 và 1970, các phong trào đòi xem xét lại luật, cho phép dễ dàng ly dị hơn đã chiến thắng khi một luật giản lược quá trình ly dị được thông qua vào năm 1970.

Bốn năm sau, một cuộc trưng cầu dân ý được các tổ chức Công giáo kêu gọi nhằm loại bỏ đạo luật mang tên Fortuna-Baslini này đã không thành công. Vào năm 1987, đạo luật ly dị được thay đổi theo một hướng cách mạng. Thời gian ly thân để cuối cùng có thể ly dị được rút ngắn từ 5 năm xuống còn 3 năm và đó được coi là một thắng lợi quan trọng đối với các phong trào đòi quyền dân sự ở Italy.

Luật mới đã cần tới hơn 10 năm tranh cãi trên chính trường, sau khi chính phủ lúc đó đưa ra dự luật này vào năm 2003, nhưng đã giậm chân tại chỗ, để rồi cuối cùng được thông qua, do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Vatican và Giáo hội Công giáo Italy.

Nhà thờ luôn bảo vệ quan điểm rằng cần phải mất nhiều thời gian suy nghĩ cho những cặp vợ chồng đã ly thân trước khi cho phép họ chính thức ly dị. Tuy nhiên, các con số thống kê ở Italy cho thấy, số cặp vợ chồng đồng ý rút lại đơn ly dị không vượt quá 1%.

Một trong những lý do khiến nhà thờ lo ngại là số lượng các vụ ly thân và ly dị ở Italy ngày càng tăng, và một đạo luật mới cho phép ly dị nhanh hơn sẽ phá vỡ các kết cấu gia đình.

Thống kê đến 2010 của nhật báo La Repubblica cho thấy năm đó, có 88.191 vụ ly dị, cao gấp rưỡi năm 2001, gấp đôi năm 1991 và gấp 5 lần năm 1971, năm đầu tiên luật Fortuna-Baslini có hiệu lực.

Tuần báo Famiglia Cristiana (Gia đình Công giáo) cho rằng đạo luật mới này là một cuộc "tấn công vào gia đình" và lo ngại rằng những đứa con trong các gia đình ly dị sẽ "không được bảo vệ" và là "nạn nhân của sự vô trách nhiệm."

Tờ báo viết: "Theo các chuyên gia và nhà tâm lý gia đình, ba năm ly thân là một khoảng thời gian cần thiết để các cặp vợ chồng suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, nhất là khi giữa họ còn có những đứa con."

Famiglia Cristiana kết luận "Quốc hội Italy đã làm hại đến giá trị của gia đình"./.

                                                                                                         
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục