Hai phái đối địch ở Nam Sudan nhận trách nhiệm về nội chiến

Ngày 20/10, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh đối lập Riek Machar tuyên bố nhận trách nhiệm chung về cuộc nội chiến kéo dài 10 tháng qua khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại nước này.
Hai phái đối địch ở Nam Sudan nhận trách nhiệm về nội chiến ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/10, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh đối lập Riek Machar tuyên bố nhận trách nhiệm chung về cuộc nội chiến kéo dài 10 tháng qua khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại nước này.

Theo thỏa thuận do Tổng thống Kiir và ông Machar ký tại thị trấn Arusha của Tanzania: “Các bên thừa nhận trách nhiệm chung về cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan, vốn gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản.''

Cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định cần phải đoàn kết lại đảng cầm quyền Phong trào Tự do của Nhân Dân Sudan (SPLM) vốn đang bị chia rẽ. Thỏa thuận cũng kêu gọi "đối thoại thẳng thắn và đặt lợi ích của người dân và quốc gia lên trên hết."

Về phần mình, Tổng thống Kiir cam kết “một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng" tại quốc gia nghèo đói và đang bị chia rẽ bởi chiến tranh này. Trong khi đó, ông Machar khẳng định cả hai bên đều "mong muốn thỏa thuận trên có thể được duy trì lâu dài" và "sẽ cố gắng hết sức để có thể hoàn thành lộ trình này.''

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai phe đối địch tại Nam Sudan gặp gỡ kể từ khi ký kết một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng Tám ở Ethiopia. Các cuộc đàm phán tại thị trấn Arusha đã diễn ra theo lời mời của Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete.

Thỏa thuận gần đây nhất đã nhanh chóng đổ vỡ chỉ vài ngày sau khi các tay súng bắn hạ trực thăng cứu trợ của Liên hợp quốc khiến 3 thành viên phi hành đoàn người Nga thiệt mạng.

Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ tháng 12/2013 sau khi chính phủ của Tổng thống Kiir cáo buộc các binh sỹ trung thành với cựu Phó Tổng thống Machar âm mưu đảo chính.

Xung đột nhanh chóng lan rộng khắp nước làm hàng nghìn người thiệt mạng, khoảng 1,8 triệu người phải đi lánh nạn, đồng thời đẩy Nam Sudan đến cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất ở châu Phi kể từ những năm 80 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục