Hai tiêu chí người khác dùng để đánh giá bạn lần gặp đầu tiên

Theo giáo sư Amy Cuddy, "sự ấm áp" và “có năng lực” được xem là 2 tiêu chí quan trọng nhất để người đối diện đánh giá bạn trong lần đầu gặp gỡ.
Hai tiêu chí người khác dùng để đánh giá bạn lần gặp đầu tiên ảnh 1Giáo sư Amy Cuddy. (Nguồn: Getty)

Khi lần đầu gặp gỡ bất cứ một ai, bạn cũng sẽ được họ âm thầm đánh giá. Nhưng chính xác thì họ đánh giá những gì về bạn?

Giáo sư Amy Cuddy thuộc Trường Kinh doanh Harvard đã nghiên cứu về ấn tượng đầu tiên giữa người với người cùng hai nhà tâm lý học là Susan Fiske và Peter Glick suốt hơn 15 năm qua. Bà đã cùng hai đồng nghiệp phát hiện ra nhiều kiểu mẫu tương tác khác biệt.

Trong cuốn sách mới có tên “Presence” của mình, giáo sư Cuddy cho biết có hai câu hỏi mà chúng ta tìm câu trả lời đầu tiên khi gặp một ai đó lần đầu. Thứ nhất, “Tôi có thể tin được người này không?” và thứ hai “Tôi có thể tôn trọng người này không?”.

Theo Businessinsider, các nhà tâm lý học gọi đáp án của hai câu hỏi này lần lượt là biểu hiện của “sự ấm áp” và “có năng lực” và lý tưởng nhất là bạn nên được nhìn nhận là có cả hai biểu hiện này.

Điều thú vị mà giáo sư Cuddy tiết lộ là, hầu hết mọi người tin rằng năng lực là yếu tố quan trọng hơn, nhất là trong những bối cảnh chuyên nghiệp. Nhìn chung tất cả đều muốn chứng tỏ là họ thông minh và đủ tài năng để làm được việc trong mắt người khác. Nhưng thực tế, sự ấm áp, hay sự đáng tin, mới là yếu tố quan trọng nhất khi mọi người đánh giá bạn.

“Từ khía cạnh tiến hóa, việc biết có thể tin được một ai đó hay không có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự sống còn của chúng ta” giáo sư Cuddy nhận định. Điều này cũng hợp lý khi xét trong thời tiển sử, điều quan trọng nhất là biết xem người đang đứng trước mặt bạn sẽ giết bạn rồi cướp hết những thứ bạn sở hữu, hay là một người tốt sẽ giúp bạn nhóm lửa sưởi ấm và chia sẻ đồ ăn.

Mặc dù năng lực được đánh giá cao, nhưng giáo sư Cuddy cho rằng khía cạnh này chỉ được đánh giá sau khi niềm tin được hình thành. Và việc tập trung quá nhiều vào thế mạnh của mình có thể sẽ gây phản tác dụng. Bà nói rằng những nghiên cứu sinh thạc sỹ thường quá quan tâm đến việc tỏ ra thông minh và có khả năng làm việc tới mức bỏ qua những kỹ năng xã hội, không biết cách nhờ cậy khi cần giúp đỡ, và nhìn chung thường tạo cảm giác khó gần.

“Nếu người mà bạn đang cố tạo sức ảnh hưởng không tin tưởng bạn, bạn sẽ không tiến xa hơn được với họ. Thực tế là, bạn thậm chí còn có thể khiến họ thấy nghi ngờ, vì trong mắt họ bạn có vẻ là một người thích thao túng người khác. Một người ấm áp, thân thiện và đáng tin và có năng lực sẽ tạo ra sự yêu mến, nhưng chỉ sau khi bạn đã nhận được sự tin tưởng từ người khác, các thế mạnh của bạn mới thực sự trở thành những món quà thay vì một mối đe dọa,” giáo sư Cuddy chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục