Haivl.com và câu chuyện “dọn dẹp” môi trường mạng

Haivl.com và câu chuyện “dọn dẹp” môi trường truyền thông mạng

Việc phạt nặng, thu hồi giấy phép của Haivl.com là một trong những biện pháp mạnh trong lộ trình lập lại trật tự và lành mạnh hóa môi trường thông tin trên mạng.

Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới sự kiện mạng xã hội Haivl.com bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt 205 triệu đồng và rút giấy phép vĩnh viễn vì nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng, trong đó có việc đưa các nội dung "xuyên tạc lịch sử"

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là “cảnh báo” của cơ quan chức năng về việc “dọn dẹp,” làm lành mạnh hóa môi trường truyền thông mạng trong thời gian tới…

Haivl.com và câu chuyện “dọn dẹp” môi trường truyền thông mạng ảnh 1Ảnh chụp giao diện Haivl.com. (Nguồn: blackberryvietnam.net)

Môi trường truyền thông mạng luôn thể hiện tính hai mặt. Bên cạnh những điều tốt đẹp, còn quá nhiều "hạt sạn" mà cộng đồng mạng dễ dàng nhìn thấy như: phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy; thông tin bôi nhọ, vu khống, sai sự thật… Và, nếu cứ để môi trường mạng phát triển một cách tự phát thì chắc chắn nó sẽ gây ra hệ lụy vô cùng to lớn tới xã hội thực.

Trong một bài trả lời phỏng vấn Vietnam+, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng khẳng định sẽ thu hồi ấn phẩm báo chí có xu hướng lá cải hóa. Đây có thể xem là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của “Tư lệnh” ngành này trong việc “nhặt sạn” trên môi trường Internet.

Nửa cuối năm 2014 có thể xem là thời điểm mạnh tay nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc “nhặt sạn” trên Internet. “Phát súng” đầu tiên vào ngày 15/8, Báo điện tử Tri thức trẻ (trực thuộc Hội tri thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam) bị xử phạt 207 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động trong vòng ba tháng với loạt sai phạm trong bài viết “Gái miền Tây và 3 chữ 'N' nổi danh thiên hạ.”

Tiếp theo, đến ngày 27/8, ba báo điện tử là Đất Việt, Kiến Thức, Tiền Phong bị phạt với tổng số tiền 180 triệu đồng do đăng tải bài viết “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa” (có tờ báo đổi tít khác).

Sau đó, hàng loạt tờ báo, trang thông tin điện tử đăng bài viết “Bài văn của trẻ…” như Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Đông Nam Á, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam, Vietbao.vn (thuộc Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng bị phạt. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng ra văn bản yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 9 trang thông tin điện tử vì đăng tải bài viết này.

Kế tiếp, giữa tháng Mười, cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi văn bản về các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương yêu cầu xử lý hàng loạt website vi phạm với hành vi đăng tải truyện tranh, phim online có nội dung dâm ô, tự biên tập tin bài có nội dung vi phạm pháp luật…

Ngày 23/10, trang 2sao của Công ty VietNamNet đã bị phạt 55 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động trong vòng 3 tháng khi đăng tin xúc phạm danh nhân, không thực hiện trích dẫn nguồn tin chính thức theo quy định tại một số tin, bài viết.

Và, tới ngày 24/10, Haivl.com, mạng xã hội trực tuyến thu hút một lượng lớn người hâm mộ và thành viên đã bị phạt 205 triệu đồng, thu giấy phép vĩnh viễn vì nhiều hành vi vi phạm, trong đó nổi bật là cung cấp, trao đổi, truyền đưa thông tin có nội dung xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc.

Haivl.com và câu chuyện “dọn dẹp” môi trường truyền thông mạng ảnh 2Trang 2sao.vn bị đình bản 3 tháng vì đăng tải bài viết "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò"... (Ảnh chụp màn hình: Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định sẽ tiếp tục rà soát những trang đã cấp phép xem hoạt động có đúng tôn chỉ mục đích, đúng giấy phép hay không. Nếu sai phạm, sẽ xử lý kiên quyết với “cố gắng làm trong sạch môi trường thông tin điện tử.”

Ngoài ra, các trang web có đăng tải thông tin, song phía cuối trang có “ghi chú” đang chờ cấp phép cũng sẽ không được phép hoạt động cho đến khi có giấy phép.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia có lượng người dùng Internet có độ tuổi trẻ nhất khu vực. Và nếu như lớp trẻ truy cập vào những trang như Haivl.com với đầy rẫy những hình ảnh, ngôn từ thô tục, nội dung nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục, xuyên tạc… thì sẽ rất nguy hiểm.

Ông Tuấn cũng thẳng thắn cho biết, không có chuyện “giơ cao đánh khẽ” với cơ quan báo chí vi phạm.

Theo ông Tuấn, trong Đề án quy hoạch báo chí Việt Nam đến 2020, báo điện tử sẽ đóng vai trò chủ đạo, bởi vậy phải lập lại trật tự và lành mạnh hóa môi trường thông tin trên mạng.

Bởi vậy, việc xử phạt thật nặng mới đủ sức răn đe các đơn vị cố tình vi phạm, tái phạm. Bằng chứng rõ nhất thể hiện sự quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông chính là xử phạt khá nặng đối với cả cơ quan báo chí thuộc đơn vị này quản lý.

Với những gì Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang làm, dư luận đang trông chờ một sự thay đổi mạnh mẽ trên môi trường truyền thông mạng trong thời gian tới.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục