Hạn chế tác động tiêu cực của nhiên liệu sinh học

Liên minh châu Âu đã thực hiện bước đi đầu tiên trong việc hạn chế tác động tiêu cực của nhiên liệu sinh học đối với môi trường.
Ủy viên Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Guenther Oettinger ngày 19/7 đã công bố 7 chương trình cấp giấy chứng nhận xanh cho các công ty sản xuất nhiên liệu sinh học, và cam kết trong tương lai sẽ giải quyết những tác động không mong muốn của việc chuyển lương thực thành nhiên liệu.

Ông Oettinger cho rằng những tác động phụ của nhiên liệu sinh học đang đe dọa cả sự cân bằng cácbon trên hành tinh cũng như nguồn cung lương thực thế giới.

Ông nói: "Đây là mối lo ngại thật sự, nhất là tại các nước sản xuất lớn, tại khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ."

Cách đây 3 năm, vào thời điểm nhiên liệu sinh học vẫn được coi là không có hại cho môi trường, EU đã nhất trí tăng tỷ trọng các loại nhiên liệu này trong tổng mức tiêu thụ năng lượng lên 10%. Nhưng kể từ sau đó, tại châu Âu đã nổi lên nhiều luồng dư luận xung quanh mục tiêu này, thậm chí nhiều loại nhiên liệu sinh học hiện nay còn bị coi là có hại cho môi trường hơn cả những loại nhiên liệu hóa thạch bị thay thế.

Các nhà chỉ trích cho rằng mục tiêu của EU về nhiên liệu sinh học đang khuyến khích nông dân phá rừng để lấy chỗ trồng các loại cây phục vụ sản xuất nhiên liệu. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng ngay cả các cây nhiên liệu sinh học trồng tại châu Âu cũng có thể gây ra cú sốc đối với thị trường lương thực thế giới, vì nó làm giảm nguồn cung ngũ cốc, đồng thời đội giá thức ăn chăn nuôi lên cao, và kéo theo đó là giá thịt.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy khi thế giới cần thêm lương thực, phần lớn diện tích đất canh tác mới, có thể lên tới 80%, có được là từ việc chặt phá rừng.

Trong khi đó, nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC) cũng cho thấy nhiên liệu sinh học có thể gián tiếp thải ra khoảng 1.000 triệu tấn CO2, cao gấp đôi so với lượng khí thải hàng năm của Đức.

Còn theo nghiên cứu do ông Oettinger chỉ đạo thực hiện, những loại nhiên liệu sinh học sản xuất từ các hạt chứa dầu của châu Âu, dầu cọ ở châu Á và đậu tương ở Nam Mỹ đưa tới những tác động gián tiếp lớn nhất.

Trong bối cảnh như vậy, ngày 19/7, ông Oettinger đã thực hiện bước đi đầu tiên trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của nhiên liệu sinh học đối với môi trường, bằng việc đưa ra các tiêu chuẩn "xanh" nhằm ngăn chặn các công ty đốn hạ cây rừng, khai thác đất bùn và thảo nguyên để trồng các loại cây nhiên liệu sinh học phục vụ thị trường châu Âu, vốn được dự báo sẽ tăng lên khoảng 17 tỷ USD/năm và đang là thị trường hấp dẫn đối với các nông dân châu Âu cũng như nông dân trồng mía ở Brazil và nông dân trồng cọ ở Đông Nam Á.

Trong số 7 chương trình cấp giấy chứng nhận xanh mà ông Oettinger vừa công bố có hệ thống cấp phép Bonsucro và Năng lượng xanh cho cây mía của Brazil, và chương trình Bàn tròn về trách nhiệm của Hiệp hội Đậu tương.

Kevin Ogorzalek, Chủ nhiệm chương trình Bonsucro nhận xét bước đi này của EU là một cột mốc quan trọng, giúp đảm bảo trách nhiệm đối với sự bền vững về xã hội và môi trường của các loại nhiên liệu sản xuất từ cây mía được nhập khẩu vào châu Âu.

Ông cho biết ethanol chiết xuất từ cây mía là một loại nhiên liệu sạch và có khả năng tái tạo, có thể giúp giảm hơn 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục