Hàn Quốc kỳ vọng sẽ có vaccine tự sản xuất trong nước vào năm 2022

Hàn Quốc dự kiến 1 hoặc 2 trong số 5 công ty đang nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19 ở nước này sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sớm nhất vào cuối năm nay.
Hàn Quốc kỳ vọng sẽ có vaccine tự sản xuất trong nước vào năm 2022 ảnh 1Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc đang cố gắng gia tăng tốc độ phát triển vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng như sự cạnh tranh gay gắt trong việc mua vaccine trên quy mô toàn cầu.

Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc khẳng định đã đảm bảo được nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 dồi dào thông qua nhiều hợp đồng ký kết với các công ty dược phẩm toàn cầu khác nhau, song một số chuyên gia y tế sở tại cho rằng người dân nên chuẩn bị để đối phó với các loại bệnh truyền nhiễm từ động vật khác trong dài hạn.

Chủ tịch Ủy ban lâm sàng trung ương về Kiểm soát bệnh truyền nhiễm mới Oh Myoung-don dự đoán COVID-19 có thể trở thành dịch bệnh đặc hữu (như bệnh cúm) và cần phải có chương trình tiêm chủng hàng năm.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 3/5 vừa qua, ông Oh Myoung-don nhấn mạnh rằng: "Chúng ta sẽ phải sống chung với virus. Ngay cả khi chúng ta kiểm soát được dịch COVID-19 thì thế giới vẫn có thể gặp phải dịch COVID-21 hoặc COVID-22 bởi các bệnh lây truyền từ động vật tương tự có thể bùng phát trong tương lai." Về vấn đề này, các quốc gia trên thế giới đang kêu gọi tăng cường nỗ lực phát triển vaccine bản địa.

Theo Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), cho đến thời điểm hiện tại đã có 5 Công ty dược phẩm trong nước là SK Bioscience, EuBiologics, Cellid, Genexine và Geneone Life Science được chấp thuận để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.

[Hàn Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng toàn quốc]

Trong đó, SK Bioscience và EuBiologics đang nghiên cứu vaccine kháng nguyên tổng hợp (một công nghệ được sử dụng trong vaccine Novavax) thúc đẩy phản ứng miễn dịch ở người nhận bằng cách tiêm một protein đột biến từ virus SARS-CoV-2.

Công ty Cellid đang phát triển vaccine sử dụng virus làm phương tiện vận chuyển gen (vector virus), trong khi Genexine và Geneone Life Science đang nghiên cứu vaccine sử dụng DNA làm phương tiện vận chuyển gen.

Do 5 công ty hiện đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 1 hoặc 2, các cơ quan y tế Hàn Quốc dự kiến 1 hoặc 2 trong số 5 công ty này sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (bước cuối cùng trước khi xin phê duyệt theo quy định) sớm nhất là vào cuối năm nay. Điều này dẫn đến hy vọng rằng Hàn Quốc có cơ hội được sử dụng vaccine ngừa COVID-19 tự phát triển trong nước từ năm 2022 tới.

Tuy nhiên, sẽ là thách thức đối với các nhà phát triển vaccine trong nước để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 khi phải cần tới sự tham gia của hàng chục nghìn tình nguyện viên. Trong thử nghiệm quy mô lớn, một nhóm được tiêm vaccine và nhóm còn lại được tiêm giả dược để đánh giá hiệu quả của loại vaccine trước đó.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi nhiều quốc gia đã triển khai các chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, sẽ rất khó để tìm chọn được những người sẵn sàng tham gia đợt thử nghiệm này.

Để giải quyết khó khăn này, MFDS đang xem xét cho phép các công ty trên thực hiện các thử nghiệm lâm sàng so sánh. Điều này sẽ cho phép họ xác nhận tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine đang phát triển bằng cách so sánh với các loại vaccine đã được phát triển như của AstraZeneca hoặc Novavax.

Trên thực tế, phương pháp này đã được SK Chemicals sử dụng trong quá trình phát triển vaccine herpes zoster, loại vaccine đầu tiên thuộc loại này đã giành được sự chấp thuận của cơ quan quản lý trong nước của Hàn Quốc vào năm 2017.

Ngoài ra, có một lựa chọn khác được MFDS xem xét là bỏ qua các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn III và thay thế bằng các đánh giá về "các mối tương quan miễn dịch học về khả năng bảo vệ (ICP)." ICP là một chỉ số có thể được sử dụng để đánh giá gián tiếp hiệu quả của vaccine.

Đầu tháng Tư vừa qua, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm về các giao thức ICP vaccine ngừa COVID-19 để đưa ra các hướng dẫn chi tiết. Nhóm đặc nhiệm bao gồm các chuyên gia từ Bộ Y tế và Phúc lợi (MOHW), Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin (MSIT), Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), MFDS và Bộ Ngoại giao (MOFA).

MOHW cũng cho biết đã phân bổ 68 tỷ won (61 triệu USD) để hỗ trợ phát triển vaccine trong nước và cam kết sẽ nỗ lực hết sức để các nhà phát triển có thể triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào nửa cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục