Hàn Quốc: Lạm phát duy trì mức thấp, thặng dư thương mại lập kỷ lục

Trong tháng Tư, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tiếp tục ở mức thấp nhất kể từ năm 1999, trong khi thặng dư thương mại thiết lập một kỷ lục mới.
Hàn Quốc: Lạm phát duy trì mức thấp, thặng dư thương mại lập kỷ lục ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bloomberg)

Ngày 1/5, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một số chỉ số kinh tế trong tháng Tư, trong đó tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tiếp tục ở mức thấp nhất kể từ năm 1999, trong khi thặng dư thương mại thiết lập một kỷ lục mới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đó chính để tính lạm phát, trong tháng Tư tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và không thay đổi so với tháng Ba.

Đây là tháng thứ 5 liên tiếp CPI của Hàn Quốc dưới 1% và thấp hơn nhiều so với mục tiêu duy trì lạm phát trong khoảng 2,5-3,5% mà Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đặt ra trong gần 3 năm qua. Tình trạng này đang khiến giới phân tích lo ngại kinh tế Hàn Quốc có thể rơi vào giảm phát.

Theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, lạm phát thấp chủ yếu do giá nhập khẩu nhiên liệu trong tháng Tư giảm mạnh tới 20,9% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo CPI cả nước giảm 1,1 điểm phần trăm.

Nếu loại trừ biến động về giá của các mặt hàng nông nghiệp và dầu mỏ, lạm phát lõi của Hàn Quốc trong tháng Tư tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng ngày, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết thặng dư thương mại của nước này lập kỷ lục mới trong tháng Tư khi đạt 8,49 tỷ USD, sau khi lập kỷ lục thặng dư 8,39 tỷ USD trong tháng Ba.

Đây cũng là tháng thứ 39 liên tiếp Hàn Quốc đạt thặng du thương mại, trong bối cảnh nhập khẩu sụt giảm mạnh hơn xuất khẩu.

Trong tháng Tư, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 46,22 tỷ USD.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 17,8% xuống còn 37,73 tỷ USD, phản ánh nhu cầu nội địa suy yếu.

Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, giảm 5,2% trong tháng Tư, tiếp tục xu hướng giảm tháng thứ 3 liên tiếp.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, Nhật Bản và ASEAN giảm hơn 10%. Riêng xuất khẩu sang các nước Trung Đông tăng 1,4%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục