Hàn Quốc, Nhật Bản tái cam kết hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên

Lãnh đạo hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm ngày 25/8, tái khẳng định cam kết hợp tác nhằm đối phó với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.
Hàn Quốc, Nhật Bản tái cam kết hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Reuters)

Lãnh đạo hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm, tái khẳng định cam kết hợp tác nhằm đối phó với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.

Theo tin từ Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Moon J​ae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí phối hợp hành động đáp trả động thái được coi là khiêu khích của Triều Tiên, bao gồm cả việc Bình Nhưỡng tiến hành phóng thử thành công tên lửa đạn đạo gần đây, cũng như những tuyên bố về kế hoạch tấn công vùng lãnh thổ hải ngoại Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước cũng trao đổi quan điểm về việc cần gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong ngày 25/8, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố Tokyo sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa hạt nhân của quốc gia này cũng như vấn đề công dân bị bắt cóc chưa được giải quyết. Theo đó, Nhật Bản sẽ phong tỏa tài sản thêm 6 tổ chức và 2 cá nhân liên quan tới Triều Tiên.

[Hàn Quốc sẽ theo đuổi giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên]

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi truyền thông quốc gia Triều Tiên ngày 23/8 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh sản xuất thêm các động cơ tên lửa chạy bằng nhiên liệu rắn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon tái khẳng định lập trường của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế với Triều Tiên vì các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa liên tục của nước này.

Đề cập tới khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong, ông Cho Myoung-gyon cho biết thêm đây sẽ là chủ đề đầu tiên được xem xét nếu Bình Nhưỡng ngừng các động thái gây căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này được nới lỏng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khó có thể mở cửa trở lại khu công nghiệp nói trên trong tình hình hiện nay.

Đầu năm 2016, Hàn Quốc đã đóng cửa hoàn toàn khu công nghiệp này như một biện pháp đối phó hành động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cho đây là việc làm cần thiết để cắt đứt một phần nguồn tài chính cho chương trình phát triển quân sự của Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục