Hàn Quốc sẽ chính thức tiếp nhận 3.500 lao động Việt từ năm 2016

Trong năm 2016, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Không chỉ có lao động trung thành, về nước đúng hạn mà cả những lao động mới cũng sẽ có cơ hội sang Hàn Quốc
Hàn Quốc sẽ chính thức tiếp nhận 3.500 lao động Việt từ năm 2016 ảnh 1Ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc . (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong năm 2016, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Trong số này không chỉ có công nhân về nước đúng hạn mà cả những lao động mới cũng sẽ có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Đây là nội dung chính trong Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) vừa được ký kết sáng ngày 17/5 tại Hà Nội.

Kết thúc 3 năm hạn chế

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn quốc Lee Ki Kweon đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sau 3 năm hạn chế tiếp nhận lao động Việt do tỷ lệ lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp cao.

Bản ghi nhớ lần này đánh dấu việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trở lại bình thường. Bản ghi nhớ bao gồm các điều khoản thống nhất chung về cơ quan phái cử và tiếp nhận, quy định về tiêu chuẩn của người dự tuyển, nguyên tắc xác định và thông tin về chi phí phái cử; quy trình phái cử và tiếp nhận.

Đặc biệt, bản ghi nhớ nêu rõ, số lượng lao động Việt Nam được phía Hàn Quốc tiếp nhận hàng năm phụ thuộc vào mức độ giảm tỷ lệ lao động Việt Nam đang cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc. Năm 2016, Hàn Quốc tiếp nhận 3.500 lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Việc ký kết Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS mở ra cơ hội đối với nhiều lao động Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn quốc, kể cả các lao động cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn quốc tự nguyện hồi hương.

Sau lễ ký kết, cơ quan chức năng của hai bên sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề…đối với người lao động có nguyện vọng tham gia chương trình.

Hai Bộ trưởng thống nhất hai bên tiếp tục hợp tác thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú và làm việc không hợp pháp; Chính thức ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình.

Hàn Quốc sẽ chính thức tiếp nhận 3.500 lao động Việt từ năm 2016 ảnh 2Lao động Việt Nam làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc (Ảnh: PV/vietnam+)

Tỷ lệ bỏ trốn còn khoảng 35%

Những năm gần đây, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, hết thời hạn làm việc không trở về nước và ở lại cư trú không hợp pháp tại Hàn Quốc khá cao đã ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác lao động giữa hai bên. Từ tháng 8/2012 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về Chương trình EPS mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm, lần lượt vào ngày 31/12/2013 và ngày 10/4/2015.

Theo bản ghi nhớ đặc biệt, chỉ những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2012 và những lao động đã làm việc tại Hàn Quốc thuộc diện tái nhập cảnh có thể tham gia chương trình. Điều này cũng đồng nghĩa hàng năm, hàng chục nghìn lao động Việt Nam không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Nhiều giải pháp đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc thực hiện nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú, làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc.

Chính phủ Việt Nam đã áp dụng quy định ký quỹ với người lao động trước khi xuất cảnh, thành lập Văn phòng quản lý lao động theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc để tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người lao động, ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động hết thời hạn hợp đồng nhưng ở lại, cư trú và làm việc không hợp pháp....

Chính phủ Hàn Quốc cũng phối hợp thực hiện chính sách khuyến khích người lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương. Miễn phạt tiền và giảm thời hạn tái nhập cảnh Hàn Quốc đối với lao động tự nguyện hồi hương và miễn phạt tiền và không cấm tái nhập cảnh Hàn Quốc đối với lao động tự nguyện hồi hương trong thời gian từ 1/4/2016 đến 30/9/2016.

Chính phủ Việt Nam cũng đã miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với các lao động đang cư trú và làm việc không hợp pháp tự nguyện trở về nước trong thời gian từ ngày 1/9/2015 đến 31/12/2015 và từ ngày 1/5/2016 đến 30/9/2016.

Nhờ những nỗ lực của các cơ quan hai nước, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% vào cuối năm 2013 xuống còn khoảng 35% vào cuối năm 2015, số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người xuống còn hơn 15.000 người. Tuy nhiên tỷ lệ này còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của 14 nước khác có phái cử lao động sang Hàn Quốc./.

Trong khuôn khổ chương trình EPS, từ năm 2004 đến nay đã có hơn 75.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc với việc làm và thu nhập ổn định, trung bình từ 1000 đến 1.500 USD/người/tháng. Lao động Việt Nam được người sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo.
Ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục