Hàng chục nghìn đối tượng cực đoan đang muốn gia nhập IS

Giám đốc điều hành Ủy ban Chống khủng bố của Liên hợp quốc cho biết hiện có tới 25.000-31.000 đối tượng mang tư tưởng cực đoan có ý định tới Iraq và Syria để gia nhập hàng ngũ IS.
Hàng chục nghìn đối tượng cực đoan đang muốn gia nhập IS ảnh 1Cảnh sát Tây Ban Nha áp giải đối tượng vừa bị bắt giữ với cáo buộc tuyên truyền và tuyển mộ thành viên cho tổ chức IS tại sân bay ở Melilla ngày 22/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hơn 200 chuyên gia an ninh cùng khoảng 30 bộ trưởng, thứ trưởng Nội vụ và Ngoại giao đến từ 70 quốc gia trên thế giới đang bàn cách thức ngăn chặn các phần tử cực đoan rời khỏi đất nước nhằm gia nhập các nhóm thánh chiến có vũ trang tại nước ngoài.

Các cuộc thảo luận nói trên diễn ra trong hai ngày ​27 và 28/7 ​tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha​m, do Liên hợp quốc bảo trợ.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết theo kế hoạch, nước này sẽ chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Chống khủng bố của Liên hợp quốc trong ngày 28/7, sau khi diễn ra các cuộc thảo luận có sự tham gia của giới chuyên gia quốc tế.

Với vai trò là ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm nay, Tây Ban Nha đã phát động chiến dịch truy quét các phần tử thánh chiến trong nước đang tìm cách gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.

Nước này sẽ tổ chức các cuộc thảo luận bàn về cách thức ngăn chặn các phần tử thánh chiến Hồi giáo mang tư tưởng cực đoan có ý định vượt biên để trở thành những chiến binh khủng bố nước ngoài (FTF), cũng như cách thức truy tố và dẫn độ những đối tượng này về nước.

Theo tuyên bố của Liên hợp quốc, các cuộc thảo luận nói trên nhằm xây dựng những chiến lược và phương pháp để hướng dẫn các quốc gia thành viên giải quyết hiệu quả mối đe dọa FTF trong bối cảnh những đối tượng này đang trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế.

Giám đốc điều hành Ủy ban Chống khủng bố của Liên hợp quốc Jean-Paul Laborde cho rằng các quốc gia cần phải hợp tác chống khủng bố một cách nhanh chóng và linh hoạt khi mà hiện có tới 25.000-31.000 đối tượng mang tư tưởng cực đoan, gồm hàng trăm công dân châu Âu như Anh, Pháp, Đức..., có ý định tới Iraq và Syria để gia nhập hàng ngũ IS.

Bên cạnh đó, ông Laborde cũng nhấn mạnh lãnh đạo các nước cần tìm hiểu lý do vì sao tầng lớp thanh niên muốn gia nhập IS, để từ đó giải quyết được triệt để vấn đề này.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ban hành một nghị quyết, trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên nêu sáng kiến ngăn chặn dòng người tham chiến tại nước ngoài do lo ngại họ có thể trở về nước và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ngay trên chính quê hương của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục