Hàng khô bắt đầu tăng giá “hóng” Tết

Hàng khô tăng giá “hóng” Tết, mặc sức mua ảm đạm

Nhiều mặt hàng thực phẩm khô trên thị trường đã bắt đầu tăng giá từ 5.000-30.000 đồng/kg, tuy nhiên sức mua của người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sôi động.

Dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm trên thị trường đã bắt đầu tăng giá mạnh, tuy nhiên sức mua của người tiêu dùng ở thời điểm này vẫn chưa thực sự sôi động.

Khảo sát của phóng viên Vietnam+ngày 6/12, tại một số chợ đầu mối và chợ lẻ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, Đồng Xuân, Kim Liên, Phùng Khoang, Hoàng Văn Thái… cho thấy, giá một số mặt hàng khô như nấm, măng khô, miến… tăng từ 5.000-30.000 đồng/kg, song sức mua của người tiêu dùng chưa có sự gia tăng đột biến so với những ngày vừa qua.

Cụ thể, măng lưỡi lợn có giá 230.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; măng vầu búp có giá 220.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; măng mầm loại ngon có giá 250.000 đồng/kg, tăng so với trước chỉ có 220.000 đồng/kg. Một số loại nấm cũng “đội giá” như nấm hương rừng có giá 330.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; nấm trắng tăng 30.000 đồng/kg và được bán với giá 380.000 đồng/kg; thậm chí nấm loại ngon còn có giá 450.000 đồng/kg, tăng so với trước chỉ có 420.000 đồng/kg…

Các loại miến cũng khá phong phú về chủng loại, mức giá dao động từ 35.000-60.000 đồng/kg; mộc nhĩ có mức giá trung bình từ 160.000-200.000 đồng/kg tùy loại. Một số loại nấm hương, mộc nhĩ, miến… được đóng gói và có thông tin về nhà sản xuất có giá cao hơn các sản phẩm khác như miến dong Mỏ Thiếc-Cao Bằng có giá 120.000 đồng/kg, nấm sạch đóng gói 250.000 đồng/gói 500g…

Các tiểu thương cho biết, giá nhập một số mặt hàng khô đã bắt đầu tăng từ cuối tháng 11/2003. Đây là mức tăng trung bình so với những năm trước và dịp sát Tết giá có thể tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg.

Lý giải thêm về nguyên nhân tăng giá, anh Nguyễn Hà An, tiểu thương tại chợ Hôm cho biết: “Do năm nay thời tiết bất lợi, bão lũ liên tục khiến nhiều loại thực phẩm bị thiệt hại nặng nề nên giá cả thị trường chịu nhiều tác động.”

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều tiểu thương, sức mua của người tiêu dùng vào thời điểm này khá trầm lắng so với những năm trước, khách chủ yếu mua số lượng ít, vì thế các tiểu thương cũng không dám “om” hàng nhiều.

“Mặc dù, các mặt hàng khô có thể bảo quản được lâu, song năm nay nhà tôi cũng không dám đầu tư nhập nhiều, chỉ nhập khoảng 2/3 lượng hàng so với năm ngoái,” chị Phương-chủ gian hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết.

Theo bà Vũ Thanh Thủy-Phó phòng quản lý chợ Đồng Xuân, thời điểm này, hàng hóa bắt đầu tăng giá nhưng sức mua vẫn chưa có gì biểu hiện của sự nhộn nhịp. Do kinh tế khó khăn, người dân cũng thắt chặt chi tiêu, nên không có tâm lý mua dự phòng sớm.

Bà Thủy cho rằng, càng gần Tết, thì giá cả càng có nhiều biến động, dự kiến năm nay, số lượng hàng hóa phục vụ Tết sẽ nhập với giá cao hơn, người tiêu dùng cần cân nhắc để lựa chọn sắm Tết cho mình vào thời điểm phù hợp, để có giá cả và chất lượng tốt.

“Mặt khác, về công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác đấu tranh chống sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu công nghiệp trong những tháng cuối năm được các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Chi cục quản lý thị trường số 2 thuộc Ban chỉ đạo 127 thành phố Hà Nội siết chặt với nhiều khuyến cáo và xử phạt nếu vi phạm,” bà Thủy nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục