Hàng không Malaysia phải hủy hơn 40 chuyến bay do khói mù

Ngày 21/10, tổng cộng 44 chuyến bay đã bị hủy, trong đó có 34 chuyến bay đi và đến Sân bay quốc tế Langkawi và 10 chuyến bay tại Sân bay quốc tế Penang.
Hàng không Malaysia phải hủy hơn 40 chuyến bay do khói mù ảnh 1Khói mù bao phủ thủ đô Kuala Lumpur ngày 19/10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia ngày 21/10 cho biết ngành hàng không và hàng hải nước này đang phải chịu nhiều tổn thất do phải hủy các chuyến bay và các chuyến tàu biển vì khói mù.

Theo quy định, các chuyến bay phải hủy bỏ nếu tầm nhìn dưới 600m và các chuyến tàu cũng phải hủy nếu tầm nhìn dưới một hải lý.

Ngày 21/10, tổng cộng 44 chuyến bay đã bị hủy, trong đó có 34 chuyến bay đi và đến Sân bay quốc tế Langkawi và 10 chuyến bay tại Sân bay quốc tế Penang.

Ông Arif Jaafar, quản lý Sân bay quốc tế Penang cho biết vào hồi 16 giờ ngày 21/10, tầm nhìn giảm xuống còn 500m trên không và 1,2km trên đường băng. Bốn chuyến bay khác đến và đi từ Medan, Indonesia, cũng phải hoãn lại.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục, hơn 4.700 trường học với gần 2,7 triệu học sinh tại các bang Negri Sembilan, Selangor, Perak, Penang, Kedah, Perlis và các thành phố Putrajaya, Kuala Lumpur, Kuching đã phải đóng cửa sang ngày thứ ba, 22/10, do tình trạng khói mù ngày càng tồi tệ.

Tính đến 16 giờ ngày 21/10, chỉ số ô nhiễm không khí (API) tại các khu vực này là từ 160 đến hơn 200, đặc biệt là tại khu vực Shah Alam, bang Selangor, chỉ số API là 202, rất có hại cho sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Wan Junaidi Jaafar cho biết hiện nay Malaysia đang soạn thảo dự luật để trừng phạt các công ty địa phương gây cháy rừng ở nước ngoài.

Ông Wan Junaidi cho rằng việc soạn thảo dự luật tương tự như Luật ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới của Singapore là cần thiết để đảm bảo rằng người phạm tội không thoát khỏi sự trừng phạt.

Malaysia cũng đã đề nghị đưa một điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý vào Bản ghi nhớ song phương về khói mù giữa Malaysia và Indonesia, liên quan đến các hành vi vi phạm thỏa thuận phải được đưa ra Tòa án Công lý quốc tế. Dự kiến, Bản ghi nhớ này sẽ được ký kết vào cuối năm nay.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng Indonesia, hầu hết các thủ phạm tham gia vào đốt rừng là các tiểu chủ, chiếm tới 97% các vụ đốt rừng, trong khi các công ty lớn chỉ chiếm 3%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục