Hàng nghìn người bị các nhóm vũ trang giam giữ trái phép tại Libya

Một bản báo cáo khẳng định hiện có hàng ngàn người dân Libya bị các nhóm vũ trang tại nước này giam giữ một cách tùy tiện, trái pháp luật.
Hàng nghìn người bị các nhóm vũ trang giam giữ trái phép tại Libya ảnh 1Binh sỹ thuộc lực lượng quân đội miền Đông trong chiến dịch chống phiến quân ở Benghazi, Libya ngày 27/7/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/4, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp quốc về Nhân quyền (OHCHR) và Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã công bố một bản báo cáo khẳng định hiện có hàng ngàn người dân Libya bị các nhóm vũ trang tại nước này giam giữ một cách tùy tiện, trái pháp luật.

Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Zeid Ra’ad Al Hussein cho biết nội dung báo cáo “không những vạch trần các vụ việc vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực tràn lan đối với người dân Libya bị tước đoạt tự do mà còn cho thấy sự kinh hoàng của hành động bắt giữ tùy tiện như vậy.”

Báo cáo nhấn mạnh rằng nhiều người bị giam giữ được cho là đã chết trong các khu giam giữ của các nhóm vũ trang, trong đó hàng trăm người bị vứt xác trên đường phố, trong bệnh viện, thậm chí ở các bãi rác.

OHCHR yêu cầu chuyển tất cả những người bị giam giữ đến các khu giam giữ của chính quyền, nếu không sẽ tiếp tục có hàng nghìn người bị thiệt mạng, khiến những nỗ lực giữ ổn định, xây dựng hòa bình và hòa giải tại Libya bị hủy hoại.

Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi hồi năm 2011.

Hiện ở quốc gia này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập do Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn đóng tại miền Đông. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.

Ngày 10/4, trong chuyến đi kiểm tra các đơn vị quân đội tại thành phố miền Đông Darna, Tướng Khalifa Haftar khẳng định quân đội sẽ kiểm soát thành phố này theo yêu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương.

Từ năm 2015, lực lượng quân đội miền Đông đã bao vây thành phố Darna, yêu cầu nhóm vũ trang "Hội đồng cựu chiến binh Shura của Darna" - được cho là trung thành với mạng lưới khủng bố al-Qaeda - phải rời khỏi thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục