Hàng nghìn vận động viên lo ngại vì rác thải ở Olympic 2016

Các chuyên gia nhận định tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Rio de Janeiro đang ngày càng tồi tệ hơn khiến hàng nghìn vận động viên tham dự Olympic 2016 từ khắp nơi trên thế giới lo lắng.
Hàng nghìn vận động viên lo ngại vì rác thải ở Olympic 2016 ảnh 1Rác thải tràn ngập Vịnh Guanabara. (Nguồn: bloomberg.com)

Các vận động viên tham gia những môn thi dưới nước tại Thế vận hội Olympic 2016 được cảnh báo không nên mở miệng... khi đang thi đấu, kẻo hớp phải nguồn nước nhiễm bẩn. Nghe thì có vẻ phi lý, nhưng trên thực tế thì đúng là như vậy và lời cảnh báo này đang khiến hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới lo lắng.

Tại Olympic mùa Hè năm nay, Vịnh Guanabara sẽ là nơi diễn ra môn đua thuyền và lướt ván buồm, còn bãi biển Copacabana sẽ là điểm thi đấu hai môn bơi marathon và nội dung bơi trong 3 môn phối hợp. Tuy nhiên, nơi đây đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi nạn xả rác bừa bãi.

Nỗ lực để dọn dẹp rác thải thô và rác thải gia đình trôi nổi trên biển của chính quyền thời gian qua chưa thấm vào đâu. Thậm chí, các chuyên gia, những nhà hoạt động vì môi trường tại Rio de Janeiro còn nhận định tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng tồi tệ hơn.

Từ 7 năm trước, khi Brazil giành quyền đăng cai Olympic 2016, chính phủ nước này đã hứa sẽ ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ở khu vực vịnh Guanabara.

“Tôi đã rất vui khi Olympic về tới Rio. Khi đó tôi có thể theo dõi môn đua thuyền buồm ưa thích,” Luiz Goldfeld, một người dân sống tại vịnh Guanabara, cho biết.

Luiz Goldfeld nói: "Tôi thường không hy vọng quá nhiều vào những lời hứa từ các chính trị gia, nhưng lần này, tôi đã tin tưởng một điều gì đó sẽ thay đổi khi Olympic đến.”

Ban vận động đăng cai cho Olympic 2016 của Brazil cam kết sử dụng 4 tỷ USD để xử lý 80% lượng rác thải trước khi xả ra vịnh. Thế nhưng cho đến lúc này, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện. Hàng nghìn tấn rác thải thô vẫn đều đặn chảy theo đường cống khổng lồ từ thành phố ra biển mỗi ngày.

Chuột đã trở thành một phần “cư dân” của thành phố quanh những bãi rác, trong khi du khách mới tới chưa kịp thích ứng dễ có cảm giác buồn nôn vì mùi hôi thối, nhất là vào buổi tối.

Trên thực tế, chính quyền mới chi 170 triệu USD với lý do khủng hoảng ngân quỹ, trong khi số liệu về lượng rác thải qua xử lý khá mập mờ. Trong khoản chi 170 triệu USD, phần lớn được dùng để thu gom vỏ chai hoặc lắp đặt những đường rãnh lưu động để ngăn chặn mảnh vỡ, cặn bẩn không chảy ra biển.

Goldfeld từng nhìn thấy những con cá cố gắng thoát khỏi mặt nước rồi tìm chỗ nấp trong những mai rùa. Giờ đây, cá đã ít đi, sự sống của những động vật biển khác cũng chỉ còn rất mong manh.

“Chính quyền có cơ hội làm nơi này tốt hơn, nhưng họ đã lãng phí nó,” Goldfeld không giấu nổi sự thất vọng khi từng mường tượng ra cảnh theo dõi cuộc đua từ ngôi nhà thuyền của mình.

Chính quyền Rio thừa nhận không phải mọi nơi trong thành phố đều có nguồn nước sạch, nhưng họ cam kết rằng ít nhất địa điểm thi đấu của các vận động viên sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Riêng bờ biển Copacabana, nơi diễn ra nội dung 3 môn phối hợp, sẽ được tập trung làm sạch.

Hiện tại, một số đoàn thể thao đã tập luyện tại các khu vực trên để chuẩn bị cho ngày tranh tài. Huấn luyện viên đội tuyển đua thuyền nữ Tây Ban Nha Nigel Cochrane đã có buổi thị sát địa điểm các vận động viên sẽ tranh tài. Kết thúc chuyến đi, ông thốt lên: “Thật kinh tởm!”

Đoàn đua thuyền của Australia thì cho biết trong lúc tập, họ thường xuyên phải dừng thuyền vì vướng phải rác. Có vô vàn các loại rác thải, từ túi bóng, đồ nhựa, xác động vật thậm chí cả thi thể người.

“Cứ hai hoặc 3 lần mỗi ngày chúng tôi lại phải vớt rác vướng vào mái chèo. Mỗi lần, chúng tôi phải dừng lại, nâng mái chèo và gỡ rác,” nhà vô địch Olympic môn đua thuyền dinghy Mat Belcher cho biết. “Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi phải làm việc đó một hoặc hai lần mỗi tuần.”

Bất chấp những cam kết từ Ban tổ chức Olympic 2016, Belcher lo sợ rác sẽ ảnh hưởng đáng kể tới cuộc đua huy chương. Và đúng là Belcher có lý do để lo lắng. Những túi nhựa trôi nổi từng suýt khiến Belcher và đồng đội Will Ryan đánh mất Huy chương Vàng ở sự kiện đua thuyền tại Rio năm 2014. Họ bị tụt lại cuối cùng trong cuộc đua chung kết sau khi phải dừng lại để bỏ rác vướng vào thuyền. Mặc dù sau đó nỗ lực vượt bậc đã giúp họ bắt kịp các đối thủ và vươn lên giành huy chương nhưng trải nghiệm đó khiến Belcher không thể quên.

Trở lại Rio sau 2 năm, mọi thứ trước mắt Belcher thậm chí còn tệ hơn trước. “Nước vẫn ô nhiễm và có rất nhiều rác. Tôi thấy xác động vật, đồ đạc, túi nhựa, vỏ lon bia và nước ngọt.”

Belcher và các vận động viên tham dự các môn thi đấu dưới nước giờ chỉ biết hy vọng vào nỗ lực của chính quyền. “Chúng tôi nghe nói ban tổ chức đang cố gắng làm mọi thứ có thể để đảm bảo nguồn nước trở nên sạch sẽ hơn. Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ sớm được hoàn tất.”

Trong khi đó, thành viên đội đua thuyền buồm Hà Lan Afrodite Zegers cho biết: “Chúng tôi được khuyên phải ngậm chặt miệng khi làn nước bắn lên.” Còn một bác sỹ người Brazil thì cảnh báo rằng những vận động viên thi đấu môn marathon ở dưới nước “theo nghĩa đen là bơi trong mớ rác thải hỗn độn của con người và họ có nguy cơ mắc bệnh từ những vi sinh vật.”

Không chỉ các vận động viên, du khách tới Rio de Janeiro thời điểm này cũng được cảnh báo về thực trạng ô nhiễm nguồn nước.

Theo kết quả kiểm tra mới nhất của chính phủ và các nhà khoa học, các bãi biển nổi tiếng cho khách du lịch như Ipanema và Leblon cũng bị ô nhiễm và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của du khách.

Nguồn nước tại nhiều khu vực trong thành phố có chứa rất nhiều mầm bệnh với những loại virus đường ruột gây tiêu chảy, nôn mửa cho đến những siêu khuẩn kháng kháng sinh, làm suy yếu sức khỏe những người có hệ miễn dịch yếu.

Theo điều tra của hãng tin AP, virus gây bệnh tại vịnh Guanabara nguy hiểm gấp 1,7 triệu lần so với chủng loại tương tự tại bờ biển Nam California, Mỹ.

Năm 2015, đạo diễn Stephen Daldry đã làm bộ phim chủ đề về rác thải mang tên "Trash."

Sau thời gian tìm kiếm, ông đã chọn Rio làm bối cảnh để thực hiện tác phẩm của mình. Nếu chăm chỉ, 100 USD là số tiền một người nhặt rác ở Rio có thể kiếm được trong một tuần.

Theo tính toán của các chuyên gia, để làm sạch Vịnh Guanabara, trước tiên cần phải làm sạch 6 dòng sông ô nhiễm đang đổ nước ra vịnh này. Chi phí dự kiến lên tới 6 triệu USD./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục