Hàng Việt nguy cơ "lép vế" khi hội nhập do quá nhiều khâu trung gian

Hàng hóa phải đi rất nhiều khâu trung gian mới đến được tay người tiêu dùng đã dẫn đến không chỉ đẩy giá bán lẻ lên caomà còn không quản lý được chất lượng một cách chặt chẽ.
Hàng Việt nguy cơ "lép vế" khi hội nhập do quá nhiều khâu trung gian ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu kinh tế Vũng Áng. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù hàng Việt hiện đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối ở Việt Nam nhưng nhiều ý kiến chuyên gia nhận định con số này chưa thực sự bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Nếu không có sự kết nối từ sản xuất đến phân phối, lưu thông nhằm tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín thì nhiều sản phẩm, đặc biệt là nông-thủy sản sẽ khó cạnh tranh ở kênh bán lẻ hiện đại.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội cho hay con số 90% hàng Việt trong khâu bán lẻ là chưa bền vững, bởi lẽ tới đây, khi chúng ta hội nhập, nguồn hàng hóa đa dạng, có chất lượng và giá cạnh tranh từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore… sẽ vào thị trường rất mạnh và hàng hóa trong nước khó có thể cạnh tranh.

Một điểm dễ nhận thấy ở thị trường tiêu dùng Việt Nam là hàng hóa phải đi rất nhiều khâu trung gian mới đến được tay người tiêu dùng, vừa đẩy giá lên cao ở khâu bán lẻ, đồng thời không quản lý được chất lượng hàng tiêu dùng một cách chặt chẽ.

Thực tế cho thấy ngay cả mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thực phẩm cũng còn hết sức manh mún và thủ công, chất lượng thiếu ổn định và luôn rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Sản xuất quy mô lớn còn ít, chủ yếu là sản xuất cá thể, các kho dự trữ hầu như không có khiến hàng hóa dễ bị hao hụt, hư hỏng và bị thương lái ép giá.

Bên cạnh đó, nhiều hàng hóa sản xuất trong nước do chưa có thương hiệu, chưa có bao bì, nhãn hiệu, mã số, mã vạch… theo quy định nên cũng chưa tiếp cận được kênh phân phối siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại.

Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay hàng hóa được sản xuất ra nhưng người sản xuất lại ít được quyết định giá bán, chủ yếu phụ thuộc thương lái, nhà buôn và khâu bán lẻ nên hàng thường bị đẩy chi phí lên cao do đi qua quá nhiều khâu trung gian. Các nước chỉ có 2-3 trung gian nhưng Việt Nam có 5-7 khâu trung gian, rồi trải qua nhiều loại thuế, phí…

Chẳng hạn, tại các nhà máy, giá đường chỉ 5.000 đồng/kg, trong khi tới thị trường bán lẻ là 21.000 đồng/kg. Nhà sản xuất không có động lực để phát triển một cách bền vững, còn người tiêu dùng thì chịu thiệt thòi phải mua sản phẩm với giá cao. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mối liên kết giữa nhà sản xuất với tiêu dùng, các siêu thị và nhà bán lẻ cần được thắt chặt hơn nữa.

Còn ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc BigC Thăng Long lại cho rằng hàng Việt đã có nhiều cải thiện nhưng nếu sản xuất những mặt hàng không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc và chuẩn hóa về quy cách sản phẩm, chuyên nghiệp trong giao dịch... thì sẽ rất khó đưa hàng vào chuỗi siêu thị để bán cho người tiêu dùng.

Hiện cả nước có khoảng 700 siêu thị, 100 trung tâm thương mại, riêng Hà Nội có 100 siêu thị và 20 trung tâm thương mại và thị phần của cả nước về siêu thị đang chiếm khoảng 20%.

Theo ông Phú, siêu thị là một kênh bán hàng văn minh, dễ dàng kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng, do đó cần được đầu tư và quan tâm nhiều hơn. Nền công nghiệp bán lẻ khó có thể phát triển mạnh khi dựa trên một nền sản xuất thấp kém và cung ứng sản phẩm yếu.

Do vậy, để “đưa hàng từ sản xuất đến tiêu dùng với ma sát bằng 0,” ông Vũ Vinh Phú cho rằng, trước hết, hiệu năng quản lý nhà nước phải tốt hơn nữa, đưa ra các cơ chế hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp sản xuất và phân phối như giảm các loại thuế phí, giải quyết tốt hàng lậu, hàng giả kém chất lượng trên thị trường, đồng thời tổ chức các hệ thống cung ứng như trung tâm thu mua, tạm trữ theo vùng… Nếu không thiết lập chuỗi sản xuất cung ứng tốt thì doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi hội nhập.

Các doanh nghiệp cũng phải liên kết lại để thiết lập các chuỗi cung ứng của riêng mình, thành lập các trung tâm thu mua theo vùng để có được lợi thế về giá và kiểm soát chất lượng từ khâu thu mua. Điều này khiến doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng ổn định, giá cả cạnh tranh, nông dân sản xuất cũng có lợi khi được tham gia chuỗi sản xuất theo vùng miền.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Vingroup cho hay, với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nội địa, ngay từ đầu hoạt động, hệ thống siêu thị VinMart của Tập đoàn Vingroup đã chủ trương xây dựng kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất tới siêu thị. ​Đơn vị này đã liên kết các nhà cung cấp trong nước tại nhiều địa phương để mua gom hàng, góp phần hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nội địa.

Nổi bật là chương trình nông sản Đà Lạt được chú trọng từ khâu thu mua tại nguồn, xây kho trung chuyển để đảm bảo chất lượng… Nhờ đó, hàng nông sản Đà Lạt tại hệ thống siêu thị VinMart luôn đảm bảo độ tươi ngon và giá cạnh tranh.

Ông Hiệp cũng cho biết Vingroup dự kiến đến năm 2017 sẽ xây dựng mạng lưới 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích. Với mục tiêu đó, Vingroup sẽ tiếp tục liên kết với nông dân, thu mua tập trung tại các vùng; liên kết với các địa phương cả nước về các sản phẩm trái cây vùng miền; đồng thời hỗ trợ nông dân hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP...

"Chỉ có liên kết chuỗi giữa sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp mới có thể giải quyết căn cơ thực trạng được mùa rớt giá hiện nay của nhiều loại nông sản, thủy sản như đã diễn ra nhiều năm nay. Và các hệ thống siêu thị chính là một trong những kênh kết nối hiệu quả đó," Phó Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh.

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng giả để tạo sự cạnh tranh minh bạch và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.

​Thêm vào đó, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị chắp nối cung cầu tại các tỉnh phía Bắc, phía Nam, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các chương trình kết nối đưa hàng hóa từ các vùng miền vào tiêu thụ tại các kênh phân phối nhằm tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Có như vậy, hàng Việt Nam mới tiếp tục khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và triển khai tốt hơn nữa Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục