Hành lang xả lũ sông Hồng ở quận Long Biên bị can thiệp?

Hành lang xả lũ sông Hồng bị can thiệp bởi hoạt động "dọn phế thải"?

Sự việc san gạt hành lang xả lũ sông Hồng thuộc phường Long Biên diễn ra trên khu đất rộng, công khai nhiều ngày ngay cửa ngõ Thủ đô.

Sự việc san gạt hành lang xả lũ sông Hồng thuộc phường Long Biên diễn ra trên khu đất rộng, công khai nhiều ngày ngay cửa ngõ Thủ đô, song chỉ đến khi công luận lên tiếng, chính quyền mới vào cuộc xử lý ngăn chặn.

Hiện nay, tại khu bãi giữa sông Hồng đoạn dưới gầm cầu Vĩnh Tuy, cách bờ đê sông Hồng ở phía Bắc khoảng gần 1.000m, bị san gạt nham nhở như ở công trường xây dựng. Tại hiện trường vẫn còn chiếc máy xúc nằm gục, cho thấy sự việc mới chỉ được dừng lại cách đây ít ngày.

Khu đất bị san gạt thuộc địa giới của phường Long Biên, nơi cách trung tâm hành chính của quận Long Biên chừng 15 phút đi ôtô.

Ngày 9/5, Ủy ban Nhân dân phường Long Biên phát văn bản do Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hùng ký, với nội dung đề nghị công ty cổ phần Bình An huy động máy móc thiết bị để tiến hành cải tạo, san lấp, thu dọn phế thải, vật liệu.

Tuy nhiên, trong văn bản của Ủy ban Nhân dân phường Long Biên không đề cập đến diện tích cũng như cấp độ nông, sâu của việc san gạt, nhằm thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, đảm bảo cảnh quan môi trường.

Ngay sau đó, công ty Bình An đã huy động máy móc ngày đêm san gạt. Hiện diện tích bị san gạt đã lên tới nghìn mét vuông.

Khu diện tích đất bị san gạt có diện tích là 9,5ha, thuộc địa bàn phường Long Biên, trước đây một số người dân có tiến hành tăng gia trồng một số loại cây ngắn ngày, tuy nhiên do là hành lang xả thoát lũ nên phường Long Biên đã yêu cầu các hộ dân dừng việc trồng cây.

Là người dân hay ra khu vực bãi giữa để tập thể dục, ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân quận Long Biên cho biết, từ đầu tháng ​Năm đến nay, đất bãi giữa bị cày xới, khiến đi lại rất khó khăn. Ban đầu tưởng nhà nước tiếp tục xây thêm làn của cầu Vĩnh Tuy nhưng không ngờ là họ thật táo tợn khi dùng đất hành lang xả lũ để sử dụng cho mục đích khác.

Theo ông Tuấn, nhìn từ trên cầu xuống khu đất có cây cối xanh mát rất đẹp, nếu xây dựng khu công nghiệp, nhà cửa thì không hợp lý, vì vậy nên để hiện trạng như trước cho môi trường thành phố tốt hơn.

Trước sự phản ứng từ người dân, cũng như cơ quan truyền thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Long Biên đã yêu cầu doanh nghiệp Bình An, dừng mọi hoạt động trên khu đất để chờ các kết luận của phía cơ quan chức năng.

Dù sự việc san gạt gây ảnh hưởng đến hiện trạng hành lang thoát lũ sông của con sông lớn nhất nhì miền Bắc, song vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Long Biên Nguyễn Ngọc Phan lại cho rằng không liên quan đến người dân. Diện tích đất này thuộc Ủy ban Nhân dân phường quản lý, nên khi san gạt, phường không nhất thiết phải xin ý kiến của người dân.

Tuy nhiên khi đề cập đến trách nhiệm của chính quyền dẫn đến sự việc kể trên, ông Nguyễn Ngọc Phan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Long Biên thừa nhận là chủ quan, chưa tìm hiểu, xin ý kiến các cấp cũng như người dân. “Với tư cách cá nhân, chủ tịch, tôi nghiêm khắc rút kinh nghiệm,” ông Phan nói.

Về việc có hay không việc san gạt để triển khai một số dự án, ông Nguyễn Ngọc Phan quả quyết, chỉ có ý định trồng cỏ thôi, làm gì có dự án nào được xây dựng.

Theo một số chuyên gia, phần lớn diện tích nằm dưới gầm cầu Vĩnh Tuy của phường Long Biên nằm trong hành lang xả lũ sông Hồng đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt theo quy hoạch hành lang thoát lũ do Viện Quy hoạch Thủy lợi xây dựng từ năm 2009. Như vậy, mọi sự thay đổi hiện trạng đất tại khu vực kể trên đều không thể xem nhẹ.

Ông Trần Huy Ánh, thành viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, từng tham gia nhiều dự án, về phát triển sông Hồng, phát triển vùng Thủ đô, trong đó đặc biệt chú ý đến yếu tố sông Hồng trong thành phố. “ Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn bởi vì việc can thiệp dòng chảy của sông, can thiệp hành lang thoát lũ, thay đổi chức năng sử dụng đất trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt như thế lại do một phường quyết định, chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Chúng ta cũng nên đặt vấn đề về vai trò quản lý của các bộ ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường trong quản lý đất, dòng chảy, hành lang đê điều…,” ông Ánh nói.

Một khu đất, rộng hàng chục ha nằm ngay dưới cây cầu Vĩnh Tuy bị san gạt cả một thời gian dài, đang gây ra những hệ lụy. ​Tuy nhiên, chỉ cách đây vài ngày lãnh đạo quận Long Biên mới tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng và yêu cầu phường Long Biên, dừng mọi hoạt động san gạt, báo cáo làm rõ tình hình.

​Ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Long Biên giải thích: Quận không có chủ trương cho lấp, san gạt khu vực hành lang xả lũ, không có dự án nào cả được xây dựng ở khu vực đó, chúng tôi đang đề nghị phía phường Long Biên báo cáo rõ sự việc, qua đó có hình thức chấn chỉnh nghiêm khắc với việc để ra tình trạng nêu trên.

Theo phương án về quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng được Viện quy hoạch Thủy lợi xây dựng và đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội biểu quyết, thông qua ngày 10/12/2009, những hộ dân, công trình nằm từ chỉ giới thoát lũ trở ra phía mép bờ sông đều thuộc diện giải tỏa.

Trong đó, có 15.000 hộ dân thuộc diện tích đó phải di dời. Chỉ tính riêng khu vực Bồ Đề, Long Biên, Cự Khối đã có gần 700 hộ di chuyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục