Hành trình đi tìm những hài cốt liệt sỹ thông tấn còn lưu lạc

Không phải chuyến đi nào cũng thành công, thậm chí có lần vất vả mà vẫn trở về tay trắng, nhưng ông Sáu Nghĩa không nản lòng trong hành trình đưa những hài cốt liệt sỹ thông tấn về đất mẹ.
Hành trình đi tìm những hài cốt liệt sỹ thông tấn còn lưu lạc ảnh 1Ông Lê Quang Nghĩa (áo trắng, đứng giữa) trong một lần băng rừng tìm hài cốt đồng đội. (Nguồn: TTXVN)

Ông Lê Quang Nghĩa, nguyên Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, thường được đồng nghiệp, bạn bè gọi thân mật là ông Sáu Nghĩa. Ông đã mất năm 2013, nhưng cho đến nay vẫn luôn được mọi người trong cơ quan thông tấn nhắc tới, về những công lao đóng góp cho TTXVN, nhất là việc ông góp phần tìm kiếm, đưa nhiều hài cốt liệt sỹ về với đất mẹ, với gia đình.

Từng có thời gian dài công tác ở Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), chứng kiến việc nhiều đồng chí, đồng nghiệp hy sinh thân mình vì đất nước, sau ngày miền Nam giải phóng, sống trong hòa bình nhưng thẳm sâu trong tâm khảm, ông Sáu Nghĩa cứ mãi nhớ về những liệt sỹ thuộc Đài phát thanh Giải phóng và TTXGP vẫn nằm lại ở chiến trường Campuchia.

Theo ông Nguyễn Hoàng Kiệt, người từng cùng ở chiến trường và sau này lại cùng ông Sáu Nghĩa đi tìm mộ bên Campuchia: "Anh Sáu Nghĩa là người sống rất chân tình, không quan cách và có những tình cảm rất đặc biệt với đồng đội. Trong thâm tâm anh luôn nặng lòng với những người đã khuất."

Không phải chuyến đi nào cũng thành công, thậm chí có lần vất vả mà vẫn trở về tay trắng, nhưng ông Sáu Nghĩa không nản lòng, có cơ hội là lại lên đường, lặn lội kiếm tìm những hài cốt liệt sỹ thông tấn còn lưu lạc. Người đồng đội đầu tiên mà ông may mắn tìm thấy (vào năm 1995) là liệt sỹ Nguyễn Huỳnh Nhân, hy sinh dịp Tết Mậu Thân 1968 ở Bàu Cát, Tân Bình. Cũng khoảng thời gian này, nhận được thông tin về thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Văn Hưng (tức Trần Văn Bảy, cũng hy sinh Mậu Thân 1968) ở Ấp Bắc, Cai Lậy, Tiền Giang, ông đã tức tốc về Tiền Giang tìm hiểu; nhưng chuyến đi không đạt kết quả.

Năm 1997, trước khi nghỉ hưu một năm, ông Lê Quang Nghĩa cùng một số đồng nghiệp về lại căn cứ cũ ở Tân Biên (Tây Ninh) tìm hài cốt liệt sỹ Trần Ngọc Đặng, dũng sỹ diệt cơ giới Mỹ trong trận càn Junction City 1967. Đã chuẩn bị khá kỹ, nào ngờ, khi đoàn đến nơi thì hài cốt đã được đưa về nghĩa trang liệt sỹ Tân Biên. Vậy là anh em chỉ còn biết mang tấm bia mang tên Trần Ngọc Đặng trở về.

Có thể nói chuyến đi tìm đồng đội thành công nhất của ông là vào giữa năm 2002. Khi ấy, ông đã ngoài 70, độ tuổi cần nghỉ ngơi, nhưng vẫn hăng hái cùng với các ông Lê Văn Trinh, Nguyễn Hoàng Kiệt và 5 người của Đài phát thanh Giải phóng trở lại căn cứ phum Ka đôn thuộc tỉnh Kampong Cham, Campuchia để tìm hài cốt đồng đội.

Ông Nguyễn Hoàng Kiệt nhớ lại: "Khoảng đầu năm 2002, anh Sáu Nghĩa đến gặp tôi và nói 'Cơ quan chuẩn bị thực hiện các chuyến đi tìm hài cốt bên Campuchia. Anh là người đã chôn cất đồng đội nên chắc còn nhớ vị trí các ngôi mộ, tôi đề nghị anh và anh Tám Trinh đi cùng để thực hiện việc này.' Mặc dù lúc đó tôi đang bị bệnh hen suyễn hành hạ, nhưng nghĩ đến đồng đội và đặc biệt nghĩ đến anh Sáu Nghĩa - người lãnh đạo gần 70 tuổi vẫn còn nhiệt tình, không quản ngại khó khăn trong những chuyến băng rừng sắp tới, tôi đồng ý tham gia đoàn.

"Đầu tiên chúng tôi lên Bình Phước vào tháng 6/2002, nhưng cảnh vật đã đổi thay quá nhiều, không xác định được vị trí các ngôi mộ, chờ liên lạc phía bạn quá lâu, nên cả đoàn lại trở về. Lúc đó ai cũng nản, nhưng anh Sáu Nghĩa vẫn lạc quan, động viên anh em chúng tôi tiếp tục cố gắng. Thấy anh quyết tâm như vậy, tháng 7/2002, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Lần này, chúng tôi chọn hướng Tây Ninh, được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh cùng quân đội và người dân nước bạn Campuchia giúp đỡ nên đoàn đã đạt kết quả như ý. Ngày 11/7/2002, chúng tôi đã tìm được mộ của liệt sỹ Ba Động (mất 8/2/1971), sau đó tiếp tục tìm thấy ba liệt sỹ khác là Nguyễn Thanh Bình - Phó Văn phòng TTXGP; Lê Văn Lâu (Nghĩa) - lái xe và Hồ Văn Dễ - cán bộ văn phòng. Cả ba đều hy sinh ngày 11/12/1971."

Nói về việc đền ơn đáp nghĩa, ông Sáu Nghĩa từng chia sẻ tâm tư: “Thật thỏa lòng khi tìm được hài cốt của đồng đội, những người lính TTXGP. 30 năm rồi lang bạt trong rừng rậm heo hút, giờ đây họ mới được quy tập về Nghĩa trang Thành phố, quây quần với đồng đội, đồng chí."

Giờ đây ông Sáu Nghĩa đã về “cõi thiên thu” nhưng khi nhắc đến ông, những đồng chí, đồng nghiệp cũ luôn dành những lời đặc biệt trân trọng về một vị lãnh đạo chân tình và thương yêu những người xung quanh. Nhiều anh em vẫn nhớ hình ảnh người đàn ông đã “thất thập” mà vẫn không ngại gian khổ, vượt núi, băng rừng trở lại chiến trường Campuchia đi tìm đồng đội.

“Ăn quả nhớ người trồng cây.” Có thể nói ông Lê Quang Nghĩa là người thấm nhuần đạo lý nhân nghĩa đó của dân tộc, và đã biến tình cảm thành hành động “Đền ơn đáp nghĩa,” góp phần đưa nhiều liệt sỹ thông tấn trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Nghĩa cử đẹp đẽ đó của ông sẽ mãi được khắc ghi.

Tưởng nhớ về người tiền nhiệm đáng kính, ông Lý Văn Tích, nguyên Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng: "Anh Sáu Nghĩa là người có công lớn nhất trong việc đưa những đồng đội, đồng nghiệp TTXGP về với gia đình, về với quê hương"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục