Cuộc hành trình đẫm nước mắt đi đòi con của bà mẹ tại Thanh Hóa

Bài 1: Người đàn bà khắc khoải trong hành trình đòi con

Câu chuyện về người đàn bà đi đòi lại con, đòi quyền lợi hợp pháp đã được tòa án công nhận tại Thanh Hóa cũng là câu chuyện quẩn quanh về việc thực thi hiệu lực pháp luật thiếu quyết liệt ở nơi đây.
Bài 1: Người đàn bà khắc khoải trong hành trình đòi con ảnh 1Bé D.A bị ép buộc tách khỏi mẹ đẻ trái pháp luật từ khi mới 7 tháng tuổi (Ảnh được chị Hằng cung cấp và đồng ý cho VietnamPlus đăng tải)

Lời Tòa soạn: Sinh con cùng với người chồng không giá thú, người mẹ khốn khổ ấy không bao giờ nghĩ tới sau này, mình sẽ có một hành trình mờ mịt đi đòi con. Ngồi bên quán nước ven quốc lộ 1 sau cuộc “mai phục” tìm con bất thành, chị bật khóc. Nước mắt ri rỉ, ấm ức bỗng chốc bật ra trong nỗi tủi hờn đã kéo dài hơn một năm trời.

Câu chuyện về người đàn bà đi đòi lại con, đòi lại quyền lợi hợp pháp đã được tòa án công nhận tại Thanh Hóa cũng là câu chuyện quẩn quanh về việc thực thi hiệu lực pháp luật thiếu quyết liệt tại địa phương này. Bất chấp việc Tòa án nhân dân cấp huyện đã phán quyết đưa quyền nuôi con về cho người mang nặng đẻ đau, nhưng sau gần 4 tháng ròng rã, quyết định này vẫn chưa thể thực thi. Trong khi chờ đợi sự nghiêm minh và các động thái mạnh tay hơn của những nhà chấp pháp, người đàn bà ấy vẫn phải mòn mỏi với những hành trình đi tìm con không biết đến khi nào mới dứt.

Bài 1: Người đàn bà khắc khoải trong hành trình đòi con

Sinh con cùng với người chồng không giá thú, người mẹ khốn khổ ấy không bao giờ nghĩ tới sau này, mình sẽ có một hành trình đi đòi con dài đằng đẵng.

Bà mẹ bị “cướp” con

Vốn đã qua một đời chồng, năm 2015, chị Bùi Thị Hằng (sinh năm 1981, trú tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã quyết định đi thêm bước nữa khi chuyển về sống không qua kết hôn với một người đàn ông kém mình nhiều tuổi ở xã Thanh Sơn cách nhà chừng 20km. Khi ấy, người đàn bà góa bụa không bao giờ nghĩ rằng: Quyết định này sẽ lái cuộc đời của mẹ con chị sang một ngã rẽ mới.

Mắt đã đỏ hoe tự bao giờ, chị kể lại: “Qua mối lái, tôi quen Ngọc [Lương Ngọc, sinh năm 1987-PV] từ khoảng đầu năm 2015. Đến tháng 6, chúng tôi dọn về ở với nhau tại nhà của Ngọc tại xã Thanh Sơn mà không đăng ký kết hôn với chính quyền.”

Tháng 12 năm ấy, bé gái D.A, đứa con chung của mối tình ngắn ngủi giữa hai người đã chính thức ra đời trong niềm vui vô bờ bến. Đến lúc này, người đàn bà đất Tĩnh Gia ấy như sống trong mơ vì nghĩ rồi cuộc đời mình sẽ cứ thế êm đềm mà trôi qua.

Thế nhưng, cũng chính từ đây, bi kịch của mẹ con chị chính thức bắt đầu. Sau một thời gian sống chung, chị Hằng phát hiện Ngọc đã từng có hai đời vợ nhưng không ai ở được lâu. Cứ mỗi lần cáu giận, Ngọc lại “động tay động chân”, giở thói vũ phu với chị. Những trận đòn đến thường xuyên hơn khiến người mẹ ngoài 30 tuổi như sống trong địa ngục.

“Ngày ấy, Ngọc rất hay ghen tuông vô cớ, thường xuyên đánh chị. Nhưng lúc ấy, mình thương con nên cố chịu đựng,” chị rấm rứt khóc.

Bài 1: Người đàn bà khắc khoải trong hành trình đòi con ảnh 2Bất chấp Luật hôn nhân và gia đình quy định con dưới 36 tháng phải được ở với mẹ, Ngọc vẫn nhẫn tâm tách bé D.A ra khỏi vòng tay chị Hằng. (Ảnh được chị Hằng cung cấp và đồng ý để VietnamPlus đăng tải)

Nhưng tức nước vỡ bờ, cuối năm 2015, do không còn đủ sức để chịu đựng những trận đòn không lý do của người chồng không hôn thú, chị Hằng đã ôm bé D.A về nhà mẹ đẻ tại xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Cũng trong thời gian này, chị Hằng đã làm khai sinh cho cháu theo họ mẹ do chị không có đăng ký kết hôn với Ngọc.

Tuy nhiên, gã chồng hờ vẫn không buông tha, nhiều lần đến tận nhà cầu xin mẹ con chị Hằng quay về. Mủi lòng, người mẹ khốn khổ trở lại nhà Ngọc, với hy vọng sẽ có một cuộc sống khác. Thế nhưng, những trận đòn lại xuất hiện liên miên, những trận mắng nhiếc cũng nhiều như cơm bữa. Chị lại thêm một lần phải đưa con đi trốn. Nhưng lần này, Ngọc phát hiện ra nên giữ D.A, đuổi chị đi, không cho trở về.

“Từ đó, Ngọc giữ chặt bé ở xã Thanh Sơn, không cho chị thăm nuôi. Mỗi lần lên chơi với con, cả nhà Ngọc lại lao vào chửi mắng chị,” chị Hằng đau đớn kể.

Phải rời xa con ngay khi cháu mới 7 tháng tuổi, người đàn bà ấy bỗng trở nên như ngây dại. Chị gày rộc đi, không thể làm được bất cứ việc gì. Hàng đêm, cứ nghĩ đến bé thiếu hơi mẹ, chị lại bật khóc. Hình ảnh bé bỏng của bé lúc nào cũng ám ảnh người mẹ bất hạnh ấy.

Cũng từ lúc này, người mẹ xứ Thanh ấy bắt đầu hành trình đòi con, tìm con từ tay người chồng hờ, hành trình kéo dài đến gần một năm sau vẫn không có hồi kết.

Chồng hờ “cướp” con là sai luật

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, việc người chồng hờ tự ý đưa cháu D.A về nhà mình là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.

Cụ thể, theo Luật sư Tú: "Khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Do đó, về mặt pháp luật, người mẹ và người bố không được coi là vợ chồng.”

Mặc dù vậy, Điều 15 của Luật này cũng quy định “quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”. Ngoài ra, khoản 3, điều 81 Luật này cũng quy định rõ: : “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” (khoản 3 Điều 81)".

Bài 1: Người đàn bà khắc khoải trong hành trình đòi con ảnh 3Việc anh Ngọc tách cháu D.A khỏi chị Hằng (bên trái) khi cháu còn quá nhỏ đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp và quyền trẻ em. (Ảnh được chị Hằng cung cấp và đồng ý để VietnamPlus đăng tải)

Như vậy, nếu chị Hằng có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi thì con sẽ được giao cho chị Hằng nuôi dưỡng. Việc "bắt" con chị Hằng đi là trái với quy định của pháp luật bởi người mẹ chỉ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 85 như sau:

- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

- Phá tán tài sản của con;

- Có lối sống đồi trụy;

- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Do đó, chị Hằng không thuộc các trường hợp trên thì không ai có quyền hạn chế quyền nuôi con của chị Hằng.

Cũng căn cứ vào Luật trên, theo Luật sư Tú, Điều 82 thậm chí còn quy định: "Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi." Căn cứ vào điều này, trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh: "Như vậy, việc anh Ngọc ép buộc đứa bé D.A tách khỏi mẹ đẻ khi bé mới 7 tháng tuổi là vi phạm nghiêm trọng luật pháp, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của mẹ con chị Hằng./.

Mặc dù luật đã quy định rõ, thậm chí Quyết định của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia cũng đưa ra kết luận: Quyền nuôi con thuộc về chị Bùi Thị Hằng, thế nhưng, trên thực tế, hành trình để đưa D.A về đến tận lúc này vẫn chưa thực hiện được. Sự vào cuộc có phần thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng địa phương đã vô tình đẩy câu chuyện rẽ sang theo một hướng khác.

Bài 2: Hành trình gần một năm đi tìm lại con ruột

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục