Harper Lee - Dấu ấn khổng lồ của kiệt tác "Giết con chim nhại"

Tác giả nổi tiếng đứng sau tiểu thuyết "Giết con chim nhại," nữ nhà văn Harper Lee, người vừa qua đời trong ngày thứ Sáu ở tuổi 89, đã lánh xa sự chú ý của dư luận trong phần lớn đời bà.
Harper Lee - Dấu ấn khổng lồ của kiệt tác "Giết con chim nhại" ảnh 1Harper Lee đã qua đời ở tuổi 89 (Nguồn: Washington Post)

Tác giả nổi tiếng đứng sau tiểu thuyết "Giết con chim nhại" ("To ​Kill A ​Mocking ​Bird"), nữ nhà văn Harper Lee, người vừa qua đời trong ngày thứ Sáu ở tuổi 89, đã lánh xa sự chú ý của dư luận trong phần lớn đời bà.

  

Nhưng tác phẩm bà viết ra lại luôn nổi bật và có vai trò lớn trong nền văn hóa Mỹ suốt nhiều thập kỷ.

"Giết con chim nhại," cuốn sách đầu tiên trong sự nghiệp của bà Lee, đã lập tức được đón nhận ngay khi nó xuất bản lần đầu trong năm 1960. Sách giới thiệu các nhân vật được độc giả yêu thích như Atticus Finch, Scout và Boo Radley. Nó kể lại câu chuyện về một luật sư tỉnh lẻ ở miền Nam nước Mỹ đã bào chữa cho một người đàn ông gốc Phi bị buộc tội hiếp dâm.

Cuốn tiểu thuyết, được ra mắt vào đỉnh cao của phong trào dân quyền tại Mỹ, đã đặt dấu ấn cá nhân đậm nét của bà Lee trên nền tảng các vấn đề chủng tộc đang rất căng thẳng ở miền Nam Mỹ.

Julia Eichelberger, Giáo sư văn chương miền Nam nước Mỹ tại trường Cao đẳng Charleston, cho trang tin ABC News biết rằng lối miêu tả miền Nam của bà Lee đã giúp đưa cuốn sách thành tác phẩm lập tức ăn khách. Và Eichelberger đánh giá sự khắc họa chân thực hình ảnh phụ nữ miền Nam, cũng như quan điểm của nhân vật Scout, đã khiến câu chuyện trong cuốn sách trở nên độc đáo.

  

"Rất nhiều người, đặc biệt là những ai sống trong thời của Harper Lee, không hiểu về miền Nam và có thái độ coi thường khu vực này, nhìn về nơi này như một chốn rất lạc hậu... Tiểu thuyết của bà đã cho chúng ta một góc nhìn đặc biệt, từ tiếng nói của một người phụ nữ miền Nam độc lập và chúng ta đã không có được thứ gì như vậy từ các nữ nhà văn miền Nam khác," Eichelberger nói.

Cuốn sách đã nhanh chóng trở thành tác phẩm được cả giới văn chương cùng công chúng ưa thích, với doanh số lên tới hơn 40 triệu cuốn. Sách đã nhanh chóng được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên giành giải Oscar, có sự thủ diễn chính của Gregory Peck.

Harper Lee - Dấu ấn khổng lồ của kiệt tác "Giết con chim nhại" ảnh 2Một cảnh trích từ bộ phim Giết con chim nhại đã đoạt nhiều giải Oscar (Nguồn: NY Times)

Phim đã giành được giải Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn nghệ thuật xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong mùa giải Oscar 1963. Nó cũng được đề cử giải Phim hay nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Âm nhạc xuất sắc nhất và Diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Daniel D’Addario, nhà phê bình đã viết bài đánh giá cho tờ Time về cuốn "Go Set a Watchman" của bà Lee, ra mắt trong năm ngoái, cho kênh truyền hình ABC News biết rằng Giết con chim nhại đã làm rất tốt hai việc: tác phẩm là một sự khảo sát hoàn hảo về một giai đoạn trong mối quan hệ chủng tộc của nước Mỹ. Nó đồng thời cũng kể một câu chuyện về cha và con gái có giá trị xuyên thời gian mà độc giả có thể thấy sự đồng cảm trong đó.

Ông cho rằng "Giết con chim nhại" có vị thế ngang với các kiệt tác khác của văn học Mỹ như "The Great Gatsby" (Gatsby vĩ đại) và "Adventures of Huckleberry Finn" (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn).

"Giết con chim nhại" được đưa vào giảng dạy tại rất nhiều trường học Mỹ, bởi đã can đảm động tới nhiều vấn đề, từ phân biệt chủng tộc tới bất công xã hội. Sách được xem là một tác phẩm có giá trị trường tồn trong lịch sử Mỹ và bản thân bà Lee thì giành một giải Pulitzer nhờ tác phẩm này. Lee cũng được trao tặng giải thưởng dân sự cao nhất của Mỹ là Huân chương tự do Tổng thống, bên cạnh Huân chương nghệ thuật quốc gia.

Harper Lee - Dấu ấn khổng lồ của kiệt tác "Giết con chim nhại" ảnh 3Harper Lee trong một lần trở lại thăm quê nhà (Nguồn: AL.com)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và vợ ông đã rất buồn khi biết tin bà Lee qua đời. Trong thông báo được đưa ra sau cái chết của bà Lee, họ nói rằng bà đã "thay đổi nước Mỹ theo hướng tốt đẹp hơn."

"Khi Harper Lee ngồi xuống viết cuốn 'Giết con chim nhại,' bà không tìm kiếm giải thưởng hay sự nổi tiếng. Bà chỉ là một cô gái nông thôn muốn kể lại một câu chuyện thực sự trung thực về cuộc sống mà mình đã chứng kiến," thông báo của họ có ghi.

"Nhưng câu chuyện đó, mạnh mẽ hơn vô vàn các bài phát biểu khác, đã thay đổi cách thức chúng ta nhìn nhận nhau và nhìn lại chính mình. Thông qua đôi mắt chưa vẩn đục của một đứa trẻ, bà đã cho chúng ta thấy sự phức tạp đẹp đẽ của giá trị nhân văn, tầm quan trọng của nỗ lực đấu tranh vì công lý trong cuộc sống, trong các cộng đồng và đất nước chúng ta."

Sinh thời, Lee từng nói rằng bà sẽ không bao giờ viết cuốn sách nào khác ngoài "Giết con chim nhại." Nhưng bản thảo cuốn thiểu thuyết thứ hai của bà, "Go Set A Watchman," đã được xuất bản hồi năm 2015. Lee thực tế đã viết cuốn "Go Set a Watchman" trước "Giết con chim nhại," nhưng cuốn sách này đã không được xuất bản trong hơn 50 năm.

"Go Set A Watchman" đã gây tranh cãi, do nó cho độc giả thấy nhân vật Finch đã già hơn và trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng dù vậy, cuốn sách vẫn lập tức ăn khách. Nó trở thành tác phẩm được đặt mua trước nhiều nhất của nhà xuất bản HarperCollins. Diễn viên giành giải Oscar Reese Witherspoon thậm chí còn tham gia sản xuất phiên bản sách nói của tác phẩm này.

Chia sẻ với ABC News sau khi biết tin bà Lee qua đời, D’Addario đánh giá: "Đã có rất nhiều tranh cãi mà độc giả sẽ nhớ mãi kể từ năm ngoái... Nhưng cần lưu ý rằng dư luận cãi nhau quanh nội dung diễn ra trong một cuốn tiểu thuyết. Nó cho thấy khả năng độc đáo của bà Lee trong việc tạo ra những cuộc tranh luận như thế."

"Nếu 'Giết con chim nhại' được viết ra để mau chóng phai nhạt, người ta hẳn đã không có những cuộc tranh luận sôi nổi tới vậy," D’Addario nói tiếp. "Vì thế tôi nghĩ rằng cuốn sách này ("Giết con chim nhại") sẽ còn sống cùng chúng ta trong nhiều thập kỷ nữa."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục