Không triệt tiêu cá tính

Hát hợp xướng: Cá tính không hề bị triệt tiêu

Hợp xướng không phải là môi trường để thể hiện cá tính riêng nhưng cũng không phải vào hát hợp xướng thì cá tính sẽ bị triệt tiêu.
Nhiều năm trước, khán giả truyền hình từng quen thuộc một MC Châu Anh “điệu” của chương trình Tác phẩm mới, VTV Bài hát tôi yêu… và gần đây bắt đầu quen hình ảnh một nhạc trưởng Châu Anh duyên dáng bên các em thiếu nhi Nhạc viện Hà Nội.

Ngoài ra, công việc phụ trách chuyên môn ở trung tâm Nghệ thuật Sol Art cũng khiến chị luôn tất bật. Cô giáo Châu Anh tâm huyết với trẻ nhỏ và sở hữu một nụ cười rất trẻ thơ, hồn nhiên.

Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với Châu Anh sau chuyến đưa bốn em nhỏ sang Mỹ tham gia Dàn hợp xướng thiếu nhi không biên giới.

Không bỏ cuộc vì tiếng hát thánh thiện

Tiêu chí để chọn ra bốn em nhỏ tham gia Dàn hợp xướng thiếu nhi không biên giới nhân dịp Liên hoan Nghệ thuật tuổi trẻ quốc tế (International Youth Art Festival) tại Petokeys, bang Michigan, Mỹ cuối tháng 7 vừa rồi là gì, thưa chị?

Châu Anh:
Chúng tôi lựa chọn những em có chất giọng tốt, có năng khiếu âm nhạc, tự tin và đặc biệt là có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Vì các em sẽ không chỉ hát trong một dàn hợp xướng chuyện nghiệp mà các em còn được giao lưu với bạn bè quốc tế, được giới thiệu những nét đẹp của con người, văn hóa nghệ thuật cũng như chia sẻ những ước mơ cho một thế giới đầy ắp tiếng cười hoà bình, đúng như mục đích chính của festival.

Vậy ý nghĩa của festival này là gì?

Châu Anh: Gần 600 em tham gia Dàn hợp xướng cùng hòa chung lời ca bài “Let there be Peace on Earth” – hãy để hòa bình ngự trị trên Trái đất. Đó cũng chính là thông điệp và ý nghĩa của festival.

Dàn dựng hợp xướng là một công việc rất vất vả, vì phải qui tụ nhiều hợp xướng viên tham gia. Hơn nữa, các tác phẩm hợp xướng Việt Nam lại có quá ít bài phù hợp cho dàn hợp xướng thiếu nhi... Những khó khăn đó có làm chị nản lòng?

Châu Anh: Đúng là hiện nay, hợp xướng, đặc biệt là hợp xướng thiếu nhi (hát theo phong cách thính phòng chuyên nghiệp) chưa thực sự phát triển ở Việt Nam. Vì nhìn chung các bậc phụ huynh vẫn muốn con em mình tập trung vào học văn hóa, ngoại ngữ hoặc nếu tham gia âm nhạc thì cũng chủ yếu là học nhạc cụ hoặc hát đơn ca...

Có những em nhỏ vì nhút nhát nên mới tham gia hợp xướng, đến khi tự tin lên rồi thì lại không hát nữa. Một lý do là dường như nhiều người Việt mình vẫn mang nặng tâm lý muốn được là người nổi tiếng, thích được nổi trội hơn là hòa mình vào cộng đồng.

Thêm nữa, các hoạt động nhóm của học sinh Việt Nam vẫn không nổi trội bằng các hoạt động cá nhân, rồi thiếu nguồn bài vở, tổng phổ ở mảng âm nhạc hợp xướng thiếu nhi, thiếu khán giả yêu thích thể loại hát hợp xướng thính phòng v,v...

Nhưng nếu cứ nhìn vào những khó khăn rồi chùn bước thì tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Tôi rất yêu tiếng hát thánh thiện của các em nhỏ khi ngân vang, hòa quyện chất giọng mềm mại vào nhau. Cũng nhờ đó mà tôi nghĩ mình vần phải tiếp tục.

Chị từng nói thích nghe giọng hát của những em trai chưa vỡ tiếng, nó có gì đặc biệt làm chị thích thú vậy?

Châu Anh: Tôi từng nghe các dàn hợp xướng nam như Tucsson Arizona Boys Choir, Wien Boys Choir, St. Philip Boys Choir... Khi giọng ca của các em trai ngân vang âm sắc rất đặc biệt, khi cao vút khi trầm nhẹ, âm thanh không chỉ dày dặn mà còn vô cùng mềm mại và hòa quyện thật tuyệt vời.

Tại cuộc thi Đại hội hợp xướng Thế giới (World Choir Championships) diễn ra tại Seoul ngày 12/7 vừa qua, hợp xướng thiếu nhi Việt Nam Sol Art đã đoạt huy chương đồng phần thi dân gian. Chị đánh giá thế nào về triển vọng của hợp xướng thiếu nhi Việt Nam trong tương lai?

Châu Anh: Ở Đại hội Hợp xướng Thế giới có 33 quốc gia và các vùng lãnh thổ với 177 đoàn. Lần đầu tiên tôi đưa Hợp xướng đi dự thi và đạt được thành tích khiêm tốn như vậy, cả thầy và trò đều cảm thấy một chút khích lệ để bước tiếp.

Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới thì trình độ hát và hòa bè của đoàn hợp xướng Việt Nam còn khá yếu. Nhưng tôi vẫn tin là trong tương lai, nếu được chú trọng hơn ở nhiều mặt, cả nguồn nhân lực, kinh tế... hợp xướng thiếu nhi Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt hơn.

Cá tính không bị triệt tiêu...

Nhạc trưởng Ebbe Munk đến từ Dàn hợp xướng Hoàng gia Copenhagen (Đan Mạch), có nhắc nhở hát hợp xướng ở Việt Nam là “cần có luyện tập và đào tạo bài bản hơn”. Phải chăng chúng ta đang làm chưa hiệu quả?

Châu Anh: Đúng là như vậy, bởi nhìn chung loại hình Hợp xướng Việt Nam chưa được quan tâm nhiều. Hát hợp xướng thường chỉ được sử dụng khi cần khuếch trương trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng... mà thôi.

Vậy làm sao đạt được sự hài hòa giữa các giọng hát trong dàn hợp xướng?

Châu Anh: Hài hòa là điểm quan trọng của hát hợp xướng. Có câu nói về sự “hài hòa” là “Xấu đều còn hơn tốt lỏi,” có nghĩa là khi dàn hợp xướng cất tiếng thì tất cả các giọng hát sẽ đều nhau, mặc dù có thể chưa thật tốt thì vẫn còn hơn là nổi trội lên vài giọng ca xuất sắc mà không ăn nhập với số đông còn lại.

Muốn hát quyện vào nhau thật tốt chắc chắn là phải luyện tập các kỹ thuật thanh nhạc thật nhiều, đặc biệt người chỉ huy cũng như các hợp xướng viên phải biết lắng nghe nhau.

Hợp xướng là một hoạt động có quy mô và ý nghĩa với nền tảng xây dựng tính cộng đồng cao cho trẻ em, để rồi từ đó các em có thể phát huy tính xã hội, tính kỷ luật, tính trách nhiệm. Các em phải có trách nhiệm trong lời hát của mình mới tạo nên vẻ đẹp sự hài hòa cho tập thể.

Nói thế cũng có nghĩa khi tham gia hợp xướng những giọng hát cá tính sẽ bị triệt tiêu và những em nào muốn phát triển cá tính nghệ thuật thì không nên vào dàn hợp xướng?

Châu Anh: Hợp xướng không phải là môi trường cho các em thể hiện cá tính riêng nhưng cũng không phải vào hát hợp xướng thì cá tính của các em sẽ bị triệt tiêu. Bởi những em nào có giọng hát đặc biệt, nổi trội sẽ được phát triển thiên hướng hát solo. Bởi cũng có những tác phẩm cho giọng solo và khi đó hợp xướng sẽ đệm cho solist.

Trong khi đa số công chúng chưa thực sự hiểu hết cái hay, cái đẹp của âm nhạc cổ điển, hàn lâm nói chung và hợp xướng nói riêng thì chị kỳ vọng gì khi quyết định gắn bó với Dàn hợp xướng thiếu nhi Việt Nam?

Châu Anh: Trước đây tôi kỳ vọng nhiều nhưng bây giờ đơn giản chỉ là: luôn được làm đúng nghề mình yêu thích là hợp xướng. Bởi tôi nghĩ, nếu mỗi cá nhân yêu nghề, dồn tâm huyết vào nghề của mình thì nghề đó sẽ phát triển.

Cảm ơn chị.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục