Hậu COP 21: Hiệp định Paris và các tác động tới Việt Nam

Hội thảo "Hậu COP 21: Hiệp định Paris và các tác động tới Việt Nam," tổ chức ngày 21/1, ở Hà Nội nhằm thảo luận các bước phải làm, vai trò của các tổ chức phi chính phủ.
Hậu COP 21: Hiệp định Paris và các tác động tới Việt Nam ảnh 1Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại lễ khai mạc chính thức Hội nghị COP 21 ở Le Bourget, ngoại ô Paris ngày 30/11/2015. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Ngày 21/1, tại Hà Nội, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu của các tổ chức phi chính phủ (CCWG), tổ chức Hội thảo "Hậu COP 21: Hiệp định Paris và các tác động tới Việt Nam."

Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin kết quả chủ yếu tại Hội nghị COP 21, nội dung chính của Hiệp định Paris và các tác động tới Việt Nam, đồng thời thảo luận các bước tiếp theo cần phải làm và vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong quá trình này.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại diện đến từ các tổ chức phi chính phủ, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, đại sứ quán, các tổ chức phát triển...

Cơ hội và thách thức

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Phó Ban công tác đàm phán khí hậu của Chính phủ Việt Nam đã tóm tắt công tác chuẩn bị, các kết quả đạt được và sự đóng góp của đoàn đàm phán Việt Nam cho hội thảo COP 21 cũng như Hiệp định Paris.

Hiệp định được đánh giá là kết quả đàm phán khí hậu mang tính lịch sử sau 20 năm, được 195 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) thông qua ngày 12/12/2015 tại Paris. Dự kiến, hiệp định này sẽ có hiệu lực từ năm 2020 nếu được trên 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê duyệt.

Đây là cơ hội lớn cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như Việt Nam có thêm nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế để giải quyết tận gốc vấn đề biến đổi khí hậu, thay đổi mô hình phát triển, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng carbon thấp, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận công nghệ sạch, tiên tiến...

Bên cạnh các cơ hội nói trên, cũng còn một số thách thức đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam về thể chế, chính sách mang tính cam kết, ràng buộc cao hơn, phân bổ nguồn lực hợp lý cũng như chi phí chuyển đổi ban đầu cho nên kinh tế ít phát thải carbon.

Ông Tấn cũng đã nêu ra các bước tiếp theo đối với Việt Nam như hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm phê duyệt Hiệp định, cần xây dựng đề án triển khai Hiệp định Paris tại Việt Nam, hiện thực hóa và đi vào triển khai các nội dung đề ra trong Báo cáo Dự kiến Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (INDC), tăng cường quản lý Nhà nước trong các hoạt động giảm phát thải, trao đổi mua bán tín chỉ giảm phát thải, xây dựng lộ trình chuyển đổi phát triển kinh tế-xã hội theo hướng carbon thấp, xây dựng kế hoạch thích ứng quốc gia...

Phải dựa vào nguồn lực nội tại

Theo đánh giá sơ bộ của ông Koos Neefjes, Chuyên gia về Biến đổi khí hậu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hiện có sự khác biệt giữa mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong báo cáo INDC (2 độ C) và mục tiêu mới đã được thống nhất tại Paris (dưới 2 độ C và hướng tới 1,5 độ C).

Theo đó, Việt Nam cũng như các nước khác phải đạt đỉnh phát thải vào năm 2030-2035 và giảm phát thải xuống mức 0 độ C vào năm 2055-2060. Các nội dung chính của quá trình đàm phán như Cơ chế Warsaw cho Tổn thất và Giảm thiểu được đưa vào Hiệp định, hay Tài chính cho khí hậu với mục tiêu 100 tỷ USD toàn cầu kể từ năm 2020, được coi là những thành công của nhóm các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ông cũng khẳng định Việt Nam sẽ nhận được tài chính cho công cuộc giảm thiểu và thích ứng nhưng phải dựa vào nguồn lực nội tại.

Trong quá trình đàm phán khí hậu tại Paris, các tổ chức phi chính phủ đã tham gia rất tích cực, đóng góp ý kiến cho các đoàn đàm phán các nước mặc dù họ không trực tiếp tham gia đoàn đàm phán.

Tại Việt Nam, nhóm công tác về Biến đổi khí hậu của các tổ chức phi chính phủ đã chủ động tham gia và tổ chức các hoạt động bên lề COP 21, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Chính phủ trước và tại Hội nghị diễn ra tại Paris.

Bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch Mạng lưới CCWG khẳng định quá trình thực hiện Hiệp định Paris là một cơ hội để thiết lập một quan hệ đối tác chặt chẽ giữa chính phủ và các tổ chức phi chính phủ theo các ngành, chủ đề và quy mô với trọng tâm là nhu cầu, nguyện vọng và năng lực của những người dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo và không có đất, người già, trẻ em và cộng đồng địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những vấn đề như thành tựu và đóng góp của Việt Nam, tác động của Hiệp định Paris đối với Việt Nam, vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong bối cảnh mới với sự ra đời của Hiệp định Paris, mong đợi và cơ hội của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam sau Hiệp định Paris.

Các đại biểu cũng thảo luận bàn tròn về các bước tiếp theo Việt Nam cần thực hiện để thông qua và thực thi Hiệp định Paris tại Việt Nam; sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong tiến trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục