Hậu Giang xác định tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện

Trong 5 năm tới, Hậu Giang xác định một trong những đột phá để tăng trưởng kinh tế là tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện; tổ chức có hiệu quả các hình thức kinh tế tập thể.
Hậu Giang xác định tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện ảnh 1(Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, phóng viên TTXVN tại Hậu Giang đã phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh về kết quả nhiệm kỳ qua của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang và trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ tới.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:


- Xin ông cho biết những kết quả Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015?

Ông Trần Công Chánh: Năm năm qua Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang đã nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tựu, kết quả khá toàn diện và quan trọng. Tỉnh thực hiện đạt, vượt hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015.

Kinh tế tăng trưởng bình quân đạt tốc độ cao nhất từ trước đến nay (13,5%). Các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại-dịch vụ có bước phát triển; các khu, cụm công nghiệp hình thành và phát huy hiệu quả. Tỉnh huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng, tạo ra diện mạo mới để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa-xã hội có bước phát triển; an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chuyển biến tích cực.

Quốc phòng-an ninh được giữ vững và tăng cường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Việc xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả hoạt động nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều tiến bộ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.

Đạt được thành tựu nêu trên là nhờ nhiều nhân tố, trong đó nhân tố có tính quyết định là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; phát huy tốt nhất sức mạnh của nhân dân; kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước.

- Thưa ông, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Hậu Giang xác định nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nào?

Ông Trần Công Chánh: Trên cơ sở kết quả đạt được cùng với những nhận định, đánh giá, dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hậu Giang xác định mục tiêu tổng quát là tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát triển kinh tế với tốc độ hợp lý, bền vững; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; thực hiện tốt các chính sách về an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ tổng quát và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó trọng tâm là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững (phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân hàng năm từ 7% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người, tương đương 2.500 USD, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân hàng năm trên 2%); thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là các cây, con thế mạnh của tỉnh; đẩy nhanh và phát huy Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Tỉnh cũng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại.

Cùng với đó, Hậu Giang tăng cường đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Tỉnh phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, tăng cường sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân vận của Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

- Ông có thể cho biết cụ thể, Hậu Giang xác định những lĩnh vực mũi nhọn nào trong phát triển kinh tế 5 năm tới?

Ông Trần Công Chánh: Tỉnh xác định một số đột phá là tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cơ sở tổ chức có hiệu quả các hình thức kinh tế tập thể, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, trong đó tập trung cho hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Tỉnh cũng khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch...

Tỉnh thực hiện cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp và trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được tăng cường.

Hậu Giang cũng tập trung quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó tập trung nguồn cán bộ nữ, trẻ, dân tộc; nhân lực ngành y tế và nông nghiệp.

Để có sự tập trung trong chỉ đạo điều hành triển khai Nghị quyết, đặc biệt là các nhiệm vụ đột phá nêu trên, tỉnh đề ra một số chương trình hành động và các đề án, kế hoạch cụ thể, trong đó có 4 chương trình trọng tâm.

Đó là đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính quyền và phòng chống tham nhũng, lãng phí...

- Trân trọng cám ơn Bí thư Tỉnh ủy./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục