Hầu hết các doanh nghiệp vận tải không vi phạm về giá cước

Kết quả kiểm tra thực hiện quy định về quản lý giá cước vận tải tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy chỉ có 1 doanh nghiệp chưa kê khai giá cước đúng quy định.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải không vi phạm về giá cước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoàng Hùng/TTXVN)

Kết quả của đoàn kiểm tra thực hiện quy định về quản lý giá cước vận tải tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy chỉ có một doanh nghiệp bị lập biên bản vi phạm hành chính do kê khai giá cước chưa kịp thời, đúng quy định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết kết quả trên chắc chắn không có sự bao che mà đã được xử phạt theo hành vi, đúng quy định của pháp luật.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý “bất lực” trước quản lý giá cước khi mà đi kiểm tra giá nhưng lại xử phạt đến vấn đề kê khai lại. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vừa qua, Bộ Tài chính đã cử các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc các sở tài chính, các cơ quan chức năng trên các địa bàn để thực hiện quản lý giá cước vận tải theo hình thức kê khai giá.

Để trực tiếp nắm các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã bổ sung thêm 3 đoàn để đi kiểm tra tại ba miền Bắc, Trung, Nam trong thời gian ngắn 5 ngày và lựa chọn ra 40 doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra.

Kết quả kiểm tra cho thấy có một doanh nghiệp bị xử phạt hành chính về lỗi kê khai chưa đầy đủ và một số doanh nghiệp (doanh nghiệp) đã giảm nhưng mức giảm còn thấp. Từ đó, các đoàn kiểm tra đã đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục giảm cho phù hợp với tính toán.

Như vậy, đối với việc quản lý giá cước theo hình thức kê khai thì các cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền yêu cầu các doanh nghiệp kê khai khi các yếu tố hình thành giá thay đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực nhằm xem xét và kiểm soát mức giá sao cho phù hợp với thực tế thị trường.

- Xin ông cho biết với những doanh nghiệp chây ỳ giảm giá cước thì có xử phạt được không và hình thức xử phạt như thế nào? Ví dụ trong trường hợp của hợp tác xã vận tải đường bộ Thủ Dầu Một tại Bình Dương, thì mức xử phạt sẽ là bao tiền?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khi yêu cầu doanh nghiệp kê khai, cơ quan quản lý có ấn định thời gian phải kê khai lại, nếu sau thời gian ấn định mà doanh nghiệp không kê khai lại thì các cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền lập biên bản vi phạm vì hành vi không kê khai.

Trong quá trình kê khai, có doanh nghiệp giảm giá cước, có doanh nghiệp không giảm, do đó các cơ quan quản lý sẽ tiến hành rà soát từng hồ sơ và tính toán các chi phí tác động vào để kiểm tra.

Như thông tin đã đưa, có những hãng vận tải đã giữ giá thời gian dài từ 2011 đến nay vẫn giữ ổn định giá hoặc chỉ điều chỉnh xoay quanh mức từ 1-2%.

Với các doanh nghiệp điều chỉnh tăng trong năm 2013 và đầu năm 2014 theo xu hướng tăng của xăng dầu thì khi giá xăng dầu giảm bắt buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm ở mức sâu từ 15-25%. Các mức giảm này tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và phương án giá.

Đối với trường hợp của hợp tác xã vận tải đường bộ Thủ Dầu Một tại Bình Dương thì mức phạt từ 15-20 triệu đồng do hành vi này mang tính chất hành chính, doanh nghiệp thực hiện chưa tốt về việc tuân thủ pháp luật về giá

- Đối với những doanh nghiệp giảm giá còn hạn chế cần giảm tiếp thì các đoàn kiểm tra có đưa ra mức giảm cụ thể bao nhiêu không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đối với các doanh nghiệp giảm giá cước còn ở mức hạn chế thì Bộ Tài chính đã công khai tai buổi họp báo trước đó.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bị công khai lần này chỉ ở các doanh nghiệp mà Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đi kiểm tra. Qua đó, liên Bộ đã đề nghị các cơ quan chức năng ở địa phương, đặc biệt là Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố tăng cường công tác quản lý giá cả trên địa bàn trong đó có giá cước vận tải.

Để xem xét mức giảm giá cước của các doanh nghiệp vận tải thì cần tính toán từng hồ sơ kê khai, phân tích các yếu tố để xem xét mức giảm cho phù hợp nhưng quan trọng nhất phải căn cứ vào từng doanh nghiệp, từng hồ sơ.

Các doanh nghiệp có mức độ giảm khác nhau là do quản trị, phương tiện vận tải, chất lượng dịch vụ, các yếu tố cạnh tranh và chi phí quản trị khác nhau.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng Sở tài chính, Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra giám sát việc quản lý kê khai giá cước cũng như việc thực hiện kê khai niêm yết giá, phải quản lý hoạt động kinh doanh tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, sản xuất kinh doanh thuận thì chi phí sẽ giảm tác động đến chất lượng cũng như giá cả sẽ hợp lý hơn.

Với những doanh nghiệp làm ăn chưa tốt thì phải quản lý chặt chẽ hơn đặc biệt là loại hình kinh doanh ngoài luồng ngăn chặn kịp thời.

Đặc biệt là cơ quan quản lý về các hoạt động kinh doanh vận tải cần tăng cường hơn nữa khâu kiểm tra giám sát các phương tiện này để đảm bảo cho việc đi lại của người dân được phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục