Hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu đều ở mức cao

Tính đến thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh tại  Hà Nội đứng ở mức cao.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh trên địa bàn thành phố đứng ở mức cao.

Do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng đáng kể, mặc dù sức mua đối với các mặt hàng này không cao như mọi năm.

So với thời điểm trước và sau Tết, giá thịt lợn và trứng gia cầm, thủy hải sản hiện đã giảm nhưng giá thịt bò và thịt gà vẫn đứng ở mức cao. Giá rau xanh liên tục giảm do thời tiết thuận lợi, sản lượng thu hoạch ổn định trong khi nhu cầu của người dân không tăng.

Nhiều sản phẩm sữa hiện bước vào đợt tăng giá mới. Giá các loại sữa Dumex Gold tăng từ 8-9% với lý do chi phí vào sự thay đổi bao bì, mẫu mã. Trung tuần tháng 2, Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) chính thức điều chỉnh giá bán một số nhóm sản phẩm, tăng khoảng 7% để bù đắp một phần chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Đối với những mặt hàng sữa tham gia chương trình bình ổn giá, Vinamilk thực hiện đúng theo mức giá bán cam kết đến hết ngày 1/4/2013.

Đối với các mặt hàng phục vụ sản xuất kinh doanh, tại thời điểm này tăng cao và có khả năng tiếp tục tăng. Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao do thị trường Trung Quốc hút hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất thép trong nước. Giá phôi thép nhập khẩu từ các nước cũng tăng, hiện giữ mức trung bình 12,5-12,9 triệu đồng/tấn.

Với giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục như vậy, dự báo giá thép trong nước sẽ tăng trong thời gian tới. Đối với mặt hàn phân bón, hiện miền Bắc vào vụ đông xuân đẩy nhu cầu phân bón ở Hà Nội tăng, khiến giá mặt hàng này có xu hướng tăng, với mức tăng từ 200-600 đồng/kg.

Riêng giá các mặt hàng gas đã giảm trong tháng 2. Gas Saigon Petrol SP giảm 13.000 đồng/bình 12 kg; bình 12 kg cung cấp đến tay người tiêu dùng là 409.000 đồng. Như vậy, đây là tháng thứ 3 giá gas giảm liên tiếp.

Trước tình hình này, Sở Công Thương Hà Nội chủ động nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên cơ sở cân đối cung cầu.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa được đầy đủ, Sở Công Thương chủ động phối hợp cùng các ngành, các cấp, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, chủ động tăng cường khai thác nguồn hàng, dự trữ hàng hóa đảm bảo đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục