Hé lộ kịch bản Đại lễ

Hé lộ kịch bản đêm nghệ thuật Đại lễ 1.000 năm

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã phác họa một số hình ảnh về đêm nghệ thuật mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, diễn ra tối 10/10.
“Kịch bản được phê duyệt không có nghĩa là đã đủ hoàn hảo và chẳng cần động tay vào nữa. Mọi chuyện đánh giá hay, dở chỉ có thể diễn ra khi kịch bản được cụ thể hóa bằng chương trình diễn ra tối 10/10 tới đây,” tác giả Nguyễn Khắc Phục cho biết. Trước khi được thông qua về cơ bản vào ngày 24/5 vừa qua, kịch bản đêm nghệ thuật mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội do ông viết đã luôn là chủ đề “nóng” của dư luận. Không tiết lộ nhiều thông tin về kịch bản trên với lý do rất đơn giản: “nói hết thì… còn ai thèm xem nữa,” ông chỉ phác họa. Kịch bản là tất cả những gì diễn ra với Thăng Long-Hà Nội cho tới nay. Nhưng, đó không phải chỉ là một Thăng Long được khai sinh bởi Lý Thái Tổ vào năm 1010. Còn cả lịch sử hình thành nên nó một cách âm thầm trước khi được đặt tên, với những sự kiện và câu chuyện cụ thể. Nói một cách khác, Thăng Long-Hà Nội cũng là một lăng kính hội tụ tất cả những gì diễn ra với lịch sử Việt Nam trong những thế kỷ qua. Từ lăng kính ấy là sự “phóng to” và “tô đậm” những nét riêng của một vùng đất… - Nét riêng ấy có phải là những đặc điểm riêng về văn hóa, địa lý, con người...? Tác giả Nguyễn Khắc Phục: Xa hơn thế, Thăng Long gánh sứ mệnh riêng mà lịch sử luôn trao cho một kinh đô. Những sứ mệnh lịch sử ấy nặng nề hơn với những vùng đất khác, nói công bằng là vậy. Chẳng hạn, chỉ riêng trong những cuộc chiến tranh vệ quốc, Thăng Long luôn là tiêu điểm gánh chịu những đòn tấn công nặng nề nhất. Từ thời Lý, không dưới năm lần, Thăng Long phải triển khai sách lược “vườn không nhà trống.” Người dân tự tay phóng hỏa đốt những ngôi nhà của mình, để rồi ngày ngày vừa sống trong lòng giặc, vừa lặng lẽ thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại… Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô vàn câu chuyện mà chúng ta cần được biết trong ngày Đại lễ, ngoài những gì đã được nhắc tới quá nhiều. - Ông có tự hài lòng với kịch bản của mình?Tác giả Nguyễn Khắc Phục: Tôi nghĩ không có kịch bản nào là hoàn chỉnh cả. Có chăng, chỉ tồn tại những kịch bản ngày càng tiến dần tới sự hoàn chỉnh, càng thực tế và gần gũi hơn với khả năng thực hiện nó. Đến bây giờ, tôi cũng không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu buổi trình bày đề cương, bao nhiêu lần nâng lên đặt xuống để sửa từng chi tiết một… Tôi viết kịch bản này từ cách đây khoảng ba năm. Còn về quá trình thực địa, không thể trả lời đủ được rằng tôi đã đi những đâu, đã mất bao thời gian để lấy chất liệu cho kịch bản. Có lẽ, phải cộng vào đó tất cả những gì tôi làm từ nhiều năm qua khi viết rất nhiều về Hà Nội nữa, từ kịch bản sân khấu, kịch bản phim, văn xuôi - nhất là ba tập đầu bộ tiểu thuyết "Thăng Long ký"- Về nhóm thực hiện chương trình, vì sao ông đề cử Trọng Đài, Lại Văn Sâm và nhất là Đỗ Minh Tuấn, một đạo diễn điện ảnh?Tác giả Nguyễn Khắc Phục: Tôi từng làm việc và hiểu Trọng Đài có thể làm được gì cho phần âm nhạc. Lại Văn Sâm có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác hiệu quả truyền hình của đêm diễn - yếu tố quan trọng nhất khi chúng ta sẽ phát sóng trực tiếp tới không chỉ khán giả Việt Nam mà cả những kiều bào nước ngoài. Còn Đỗ Minh Tuấn là đạo diễn đã từng dựng một số đại cảnh lớn, tôi tin anh. Và chúng ta nên hiểu rằng chương trình này không quá tách bạch giữa các yếu tố điện ảnh - sân khấu đâu. Rất có thể, nhiều chi tiết của nó cần được thể hiện dưới góc độ của nghệ thuật điện ảnh, thậm chí là nghệ thuật sắp đặt nữa… - Điều cuối cùng ông muốn nói về kịch bản của mình?Tác giả Nguyễn Khắc Phục: Nói chung, bây giờ đó vẫn chỉ là một bản phác cho đêm diễn thôi, còn việc thổi hồn cốt và sức sống cho chương trình là công việc của tất cả những người thực hiện. Tôi cũng mong tới 24 giờ đêm của ngày 10/10/2010, khi pháo hoa được bắn lên bầu trời Hà Nội. Khi ấy, những người thực hiện có thể chấm dứt những lo lắng và thở phào với nhau: thôi, dù hay dù dở, mọi thứ cũng xong rồi. - Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
10.000 diễn viên tham dự

Chương trình nghệ thuật hoành tráng và quan trọng này sẽ được tổ chức vào đêm 10/10/2010 tại sân vận động Mỹ Đình, dự kiến 10.000 diễn viên tham dự.

Chương trình biểu diễn dự kiến gồm năm chương: Tiền Thăng Long - vành nôi Nhĩ Hà, Quyết định trọng đại, Tinh hoa 1.000 năm văn hiến, Thành phố Anh hùng, Thông điệp của thành phố Vì hòa bình.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục