Hệ lụy do sử dụng phân bón tràn lan trong sản xuất nông nghiệp

Những hệ lụy do sử dụng phân bón tràn lan trong sản xuất nông nghiệp

Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư không thể thiếu, nhưng việc sử dụng tràn lan không những gây lãng phí, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.
Những hệ lụy do sử dụng phân bón tràn lan trong sản xuất nông nghiệp ảnh 1Sản xuất phân vi sinh tại Công ty thương mại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phân bón là một trong những vật tư không thể thiếu và hàng năm được sử dụng với số lượng khá lớn, đóng góp khoảng 30-35% tổng sản lượng nông sản toàn cầu.

Ở Việt Nam, để có những thành tựu nổi bật về sản xuất lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả không thể không nhờ đến thâm canh mà trong thâm canh yếu tố phân bón giữ vai trò quyết định.

Tuy vậy, việc sử dụng phân bón tràn lan không những gây lãng phí, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Thạc sỹ Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thống kê cho thấy từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở Việt Nam chỉ tăng khoảng 60% nhưng lượng phân bón tiêu thụ tăng tới 500%.

Việt Nam hiện sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm, trong đó phân đạm urê chiếm khoảng 19%, lân 18%, kali 9%, NPK 37%, DAP 9%, SA 8%.

Ước tính dựa trên diện tích gieo trồng các cây trồng và liều lượng bón trung bình cho các cây trồng khác nhau, lượng phân bón sử dụng cho cây lúa chiếm tới 68%, ngô 8,7%, cây công nghiệp 13,3%, rau quả 1,7%, cây trồng khác 7,6%.

Tính trên đơn vị diện tích lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm 1.000 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp, 750 kg/ha diện tích gieo trồng. Như vậy mức độ thâm canh ở nước ta thuộc loại cao so với nhiều nước trên thế giới.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2014, theo số liệu của Bộ Công Thương, lượng phân bón đã nhập khẩu khoảng 3,3 triệu tấn, giá trị 1,09 tỷ USD, so với 10 tháng năm 2013, lượng phân bón nhập khẩu giảm 14,1% về lượng do giá phân bón thế giới xuống nên giá trị giảm 24,2%.

Tuy vậy, giá phân bón bán lẻ thường xuyên biến động theo hướng tăng với tốc độ cao hơn giá bán nông sản, chi phí tăng cao làm thu nhập thực tế của nông dân giảm đi. Năm 2013, Việt Nam cũng đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn và giá trị kim ngạch đạt gần 400 triệu USD.

Kết quả điều tra của các chuyên gia Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) trong khuôn khổ hợp tác với Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng, trong sản xuất lúa gạo nông dân Việt Nam tiêu tốn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật/đơn vị diện tích cao nhất thế giới.

Tính từ năm 1961-2007, sản lượng phân bón tiêu thụ của Việt Nam tăng 22 lần, bình quân sử dụng N+P2O5+K2O là 318,4kg/ha. Số tiền bị lãng phí do mất đi do sử dụng phân bón không đúng và không cân đối hàng năm ước tính 1,5 tỷ đến 1,7 tỷ USD.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Kinh tế nông nghiệp, Việt Nam đang canh tác trên khoảng 10,12 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp và nhiều cây trồng trên đất dốc, đất cao, nơi dòng chảy mặt hoặc rửa trôi lớn như càphê, cao su, hồ tiêu, sắn...

Với lúa, việc khó quản lý nước tràn bờ trong mùa mưa cũng làm thất thoát phân bón đáng kể. Đất dùng cho sản xuất nông nghiệp rất đa dạng với nhiều yếu tố hạn chế hiệu quả sử dụng phân bón. Về tính chất vật lý-nước thì nhiều loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, phân bón dễ bị rửa trôi.

Về hóa tính hầu hết đất có độ chua cao, dung tích hấp thu, hàm lượng hữu cơ thấp. Các loại đất thuộc nhóm ferralit, đất phèn lại có hàm lượng sắt, nhôm cao làm cho phân lân dễ bị cố định...

Nhìn chung điều kiện thời tiết, khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng phân bón. Nhiệt độ cao làm tăng mất đạm dạng NH3 trong môi trường ngập nước và NO3; các oxyt nitơ trong điều kiện canh tác cạn.

Khí nhà kính từ phân đạm, NXO có chỉ số GWP cao gấp 310 lần CO2. Trong mùa mưa, lượng mưa lớn với cường độ cao dễ làm mất dinh dưỡng qua xói mòn, rửa trôi, chảy tràn...

Đặc biệt, nhiệt độ và độ cao đẩy nhanh quá trình khoáng hóa hữu cơ trong đất cũng như phân hữu cơ, chuyển hóa các loại phân bón trong môi trường đất.

Tất cả phân bón bị mất do xói mòn, rửa trôi đều gây ra phú dưỡng nguồn nước, làm ô nhiễm môi trường, đồng thời là tác nhân gây ung thư cho con người cũng như tác động tiêu cực đến ngành thủy sản.

Theo kết quả điều tra của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%. Điều đó có nghĩa là nông dân cứ bón 100 kg phân urea hoặc NPK vào đất, chỉ có 45-50kg phân là được cây trồng hấp thụ và cho ra sản phẩm nông sản phục vụ mục đích gieo trồng, còn lại 50-55kg phân bón mất đi.

Do công nghệ sản xuất lạc hậu nên nhiều loại phân bón, kể cả phân bón công nghiệp chưa được đầu tư công nghệ mới, hiện đại nên chất lượng sản phẩm chưa cao, nhiều tạp chất.

Đáng lo ngại nhất là các xưởng quy mô nhỏ sản xuất theo kiểu "cuốc xẻng" cho ra lò các loại phân bón gốc không khá gì hơn đất mặt, hay phân bón lá không khác nước lã. Nhiều loại phân để đánh lừa nông dân, thay vì bổ sung dinh dưỡng thì họ lại bổ sung chất điều hòa, kích thích sinh trưởng.

Trong nhiều năm chúng ta thiếu hụt lương thực, thực phẩm nên mọi giải pháp đều hướng vào tăng năng suất, trong đó có bón phân trung bình trong 40 năm qua, năng suất lúa của Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với trung bình thế giới. Nhiều cây trồng có năng suất hàng đầu như cà phê, hồ tiêu, điều... Một số cây trồng khác tiếp cận với nhóm năng suất cao như ngô, sắn, lạc.

Với một số cây trồng, khi được giá nông dân bón liều lượng cao gấp 2-3 lần nhu cầu của cây, điển hình là càphê.

Cho đến thời điểm này, rất ít nghiên cứu và khuyến nông về phân bón. Cụ thể như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đầu tư nghiên cứu ba đề tài, nhưng không có đề tài về phân hóa học.

Tuyệt đại các tiến bộ kỹ thuật về phân bón trong hơn 20 năm qua là từ các dự án Hợp tác quốc tế. Vì vậy, để sử dụng hợp lý các loại phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đòi hòi các nhà quản lý, các nhà khoa học chuyên ngành cần có những nghiên cứu và giải pháp khoa học phù hợp về việc sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục