"Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần một quỹ đạo mới"

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim (Thụy Sĩ) đã đặt ra ba vấn đề để đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam vào một quỹ đạo phát triển mới.
Trong những năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam - một trong những lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia - thu hút được nhiều chú ý của giới đầu tư vì mức lợi nhuận trên vốn (ROE) rất hấp dẫn, nhiều năm lên hơn 30%.

Ngành ngân hàng Việt Nam đã tiến rất nhanh với mức tăng trưởng tổng tài sản trung bình từ 35-50%/năm và khi phát triển quá nhanh như vậy tất yếu phải gạt qua một bên sự thận trọng và tổ chức chặt chẽ, thậm chí một số những nguyên tắc cơ bản trong ngành.

Thế rồi kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam suy thoái, những diễn biến tiêu cực này ảnh hưởng mạnh đến ngành ngân hàng với những lỗ hổng thiếu sót hiện ra rõ nét. Chính vì vậy, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” của Thủ tướng Chính phủ là việc thiết yếu cần phải làm.

Chuyên gia Phạm Nam Kim hiện đang sinh sống ở Thụy Sỹ và thường xuyên tư vấn cho các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam cho biết Thụy Sỹ với 7 triệu dân có 367 ngân hàng, song con số ngân hàng có lẽ không tiêu biểu cho sức mạnh của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Việt Nam có hai đặc trưng. Thứ nhất, quy mô ngân hàng Việt Nam quá nhỏ bé. Ngoại trừ "tứ đại gia" xuất phát từ ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần đều bắt đầu từ con số không và cũng đã rất nỗ lực để có được quy mô hiện tại. Tuy nhiên so với nhu cầu trong nước, đóng góp của một ngân hàng nhỏ bé sẽ ít hiệu quả hơn. Thậm chí, ngay một "ông lớn" trong ngành ngân hàng cũng khó có đủ khả năng tài trợ một tập đoàn quốc gia.

Thứ hai, ngân hàng Việt Nam đều hoạt động trên lĩnh vực ‘ngân hàng bán lẻ’ vì chỉ với hoạt động này mới có thể huy động vốn. Nhưng muốn hiệu quả, ngân hàng bán lẻ phải có mạng lưới chi nhánh dầy đặc gần dân cư và phải có tầm cỡ quốc gia, và điều này các ngân hàng nhỏ lẻ Việt Nam chưa đạt được.

Theo ông Kim, sự hợp nhất, sáp nhập ngân hàng sẽ nâng quy mô ngân hàng, có nguồn vốn lớn hơn để phát triển và đặc biệt là tạo dựng khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn. Đó cũng là điều kiện để tồn tại trong một môi trương kinh doanh khắc nghiệt hơn. 

Chuyên gia Kim đã phân loại ra hai giới đầu tư đáng quan tâm. Giới đầu tư thứ nhất là giới đầu tư tài chính, tiêu biểu là những quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, mà định chế tài chính họ cần được chấn an bằng một lịch hành động cụ thể để tái cấu trúc lại ngành ngân hàng và những dễ dãi trong việc mua bán cổ phần. Cụ thể, những ngân hàng muốn huy động vốn nước ngoài, nên tổ chức những buổi thuyết trình ngay tại những trung tâm tài chính thế giới.

Giới đầu tư thứ hai là những ngân hàng, muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam, với tư cách là cổ đông chiến lược của những ngân hàng Việt Nam. Tình hình hiện tại rất khả quan cho chiến lược này, nhưng việc hạn chế hiện ở mức 15-20% làm họ rất do dự vì tiếng là cổ đông chiến lược nhưng lại không có tiếng nói trong việc quản lý ngân hàng.

Thời gian gần đây, giới đầu tư cũng cảm thấy rụt rè trước những những thông tin về rủi ro, về nợ xấu, về tình trạng thiếu minh bạch. Tuy nhiên, ông Kim cho rằng việc tái cơ cấu lại một hệ thống ngân hàng không phải là dễ và cụ thể là việc kế hoạch cải tổ cho giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt vào tháng 3/2012 và mãi đến tuần vừa rồi mới có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần phải giải quyết ba vấn đề quan trọng và phương án cho ba vấn đề này sẽ đặt hệ thống ngân hàng vào một quỹ đạo mới cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Vấn đề thứ nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam là vấn đề nợ xấu. Thực ra nợ xấu thì ngân hàng nào cũng có vì làm nghề ngân hàng là phải lấy rủi ro trong việc cho vay mượn, và khi lấy rủi ro thì tất nhiên sẽ có những món nợ không đòi được. Nguy cơ chính là ở chỗ nợ xấu nhiều hơn so với khả năng tài chính, với vốn chủ sở hữu và với quy mô của ngân hàng. Khá nhiều ngân hàng thương mại nhỏ lẻ đã trở nên yếu kém trước sức ép của suy thoái kinh tế. Mặc dù đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu đã suy giảm, nhưng vẫn còn ở mức rất cao nên khó có thể hoàn toàn xử lý với dự án thành lập công ty mua bán nợ xấu.

Chuyên gia Kim đánh giá đây là thời điểm nên hợp nhất những ngân hàng nhỏ lẻ thành hai ngân hàng, một ngân hàng chuyên về bất động sản và một ngân hàng dành cho những ngành nghề khác. Trước ước tính khoảng một nửa nợ xấu liên quan đến lĩnh vực nhà đất, ngân hàng chuyên về bất động sản nên gom lại và biến đổi những khoản nợ này thành tín dụng mua nhà trả góp cho dân cư.

Những khoản nợ của các ngành nghề khác sẽ được sự hỗ trợ theo chính sách bảo lãnh của nghị quyết 02/2013/NQ-CP. Khi thành lập hai ngân hàng trên, Chính phủ cũng nên giúp vốn dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi và Chính phủ sẽ giám sát quản lý ngân hàng trong thời gian được hỗ trợ.

Tất cả các ngân hàng sẽ phải có vốn chủ sở hữu với tỷ lệ của hiệp ước Basel III và sẽ phải tự xử lý nợ xấu (ngoài khoản nợ bán cho công ty mua bán nợ xấu). Nếu một ngân hàng ngoài nhóm nhỏ lẻ nói trên không đạt được những tiêu chí Basel III thì sẽ phải lập đối tác chiến lược mới hoặc hợp nhất với một ngân hàng khác.            

Chuyên gia Kim cho rằng phương án trên ngoài việc xử lý nợ xấu còn làm sạch được hệ thống ngân hàng (loại hẳn những ngân hàng yếu kém, xóa bỏ những "sở hữu chéo"), nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng, thực hiện cụ thể việc kích cầu cho nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng.            

Vấn đề thứ hai là cải tổ thị trường tài chính. Đối với một quốc gia đang trên đà phát triển và với những kế hoạch tái cấu trúc lại nền kinh tế, vấn đề vốn dài hạn là vấn đề tiên quyết. Nếu các doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận vốn dài hạn trên thị trường chứng khoán thì doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn lệ thuộc vào ngân hàng, nhưng hiện tại ngân hàng Việt Nam chỉ huy động được vốn ngắn hạn. Và cho vay dài hạn với vốn ngắn hạn là sự mạo hiểm thường trực của ngân hàng.

Chính sự chênh lệch kỳ hạn này đã gây khó khăn rất nhiều cho ngành ngân hàng, dẫn đến tình trạng luôn bị thiếu hụt thanh khoản và đó cũng là lý do gây nên mức nợ xấu hiện nay. Muốn cải tiến thực trạng này, một mặt phải tạo dựng một thị trường trái phiếu bài bản với sự tham dự đông đảo của ngân hàng và những nhà đầu tư, ngân hàng nhà nước phải chỉ đạo mức lãi suất hợp lý và khác biệt với lãi ngắn hạn. Mặt khác cũng phải sửa đổi quy chế mở sổ tiết kiệm hiện tại dựa theo thông lệ ở các quốc gia khác, không định kỳ hạn. Những sửa đổi trên sẽ giúp ngân hàng có vốn dài hạn, có khả năng cho vay dài hạn dù là để sản xuất, kinh doanh hay là để mua nhà trả góp.           

Vấn đề thứ ba cần phải giải quyết đó là năng lực quản lý ngân hàng và đạo đức nghề nghiệp. Ngành ngân hàng và một ngành rất đặc biệt vì tương quan với số đông dân cư và cũng là động lực phát triển kinh tế, người quản lý ngân hàng phải được đào tạo bài bản và có năng lực thực sự về quản lý ngân hàng.

Trong thời gian qua, ngành ngân hàng thu hút đươc khá nhiều đầu tư từ mọi phía, vì vậy các nhà đầu tư này dù không thành thạo gì về tài chính ngân hàng vẫn có thể trở thành chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc hay cán bộ lãnh đạo ngân hàng. Trong thời kỳ kinh tế phát triển tốt, sự thiếu chuyên nghiệp này có thể qua được, nhưng khi tình thế trở nên khó khăn, những yếu kém hiện ra rõ rệt và gây nguy hại cho toàn ngành.

Nhất thiết cần phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ lãnh đạo ngân hàng để đạt được những chuẩn mực quốc tế trong tổ chức ngân hàng, phân quyền rõ ràng giữa Hội đồng quản trị và Ban điều hành, kiểm soát chặt trẽ hơn hoạt động của ngân hàng thông qua một ủy ban độc lập, đảm nhận toàn bộ kiểm soát thị trường tài chính và không bị chi phối bởi chính sách tiền tệ và kinh tế./.

Tố Uyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục