"Hiện tượng sân khấu" trở lại công diễn vở "Mộng ước không xa vời"

"HOPE" - dự án nhạc kịch được xem là "hiện tượng sân khấu" đã sáng đèn 21 đêm hai vở "Góc phố danh vọng" và "Đêm Hè sau cuối" trong năm 2016 sẽ trở lại công diễn vở thứ ba từ ngày 28/2 tại L'Espace.
"Hiện tượng sân khấu" trở lại công diễn vở "Mộng ước không xa vời" ảnh 1Nhân vật bác sỹ và y tá trong vở 'Mộng ước không xa vời.' (Ảnh: Mai Lân)

"HOPE" - dự án nhạc kịch được xem là "hiện tượng sân khấu" đã sáng đèn 21 đêm gồm "Góc phố danh vọng" "Đêm Hè sau cuối" trong năm 2016 sẽ trở lại công diễn vở thứ ba "Mộng ước không xa vời" vào ngày 28/2 và các ngày 6-9/3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Tạo nên cơn sốt khủng khiếp khi toàn bộ 21 đêm đều "cháy vé" thì lần trở lại này công chúng có lý do để chờ đợi và kỳ vọng vào "Mộng ước không xa vời" vì đây là vở diễn mới tinh của Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) và lần đầu tiên được ra mắt.

Trước đó, dự án này từng công bố vở thứ ba sẽ công diễn vào tháng Một, lý do hoãn đến ngày 28/2, theo "tổng công trình sư" Nguyễn Phi Phi Anh bởi "vở này quá khó" và 35 diễn viên, 17 nhạc công, và 15 thành viên kiến tạo xây sân khấu "cần thêm thời gian để đạt đến chất lượng tốt nhất và quan trọng là khiến tôi hài lòng."

Cũng theo tiết lộ của PPAN, “Mộng ước không xa vời” tiếp tục là vở nhạc kịch đương đại kết hợp ca hát, vũ đạo và diễn xuất do PPAN viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất.

"Hiện tượng sân khấu" trở lại công diễn vở "Mộng ước không xa vời" ảnh 2Nguyễn Phi Phi Anh. (Ảnh: Đô Tăng)

Nếu khán giả đã từng được làm quen và trải nghiệm câu chuyện cổ tích qua “Góc phố danh vọng,” câu chuyện đậm màu sắc trinh thám qua “Đêm Hè sau cuối,” thì “Mộng ước không xa vời” sẽ tiếp tục là một thách thức cảm thụ cho người xem.

Đây là một câu chuyện đời thường pha chút màu sắc khoa học viễn tưởng, khởi đầu với cuộc trò chuyện phiếm trên một chuyến taxi tự động. Ken và Mina, hai người không quen biết, đã cùng nhau theo đuổi một cuộc du hành kỳ lạ để ngăn chặn đại dịch virus H-Ô-Hô có nguy cơ xoá sổ nhân loại.

Bên cạnh những cái tên nửa Việt nửa Tây, trang phục sành điệu, “Mộng ước không xa vời” còn có sự đột phá về việc mở rộng biên độ sử dụng âm nhạc quốc tế. Ngoài sử dụng “nhạc Tây” như hai vở đầu, thông qua các bản hit của Coldplay, Kelly Clarkson… “Mộng ước không xa vời” còn sử dụng cả nhạc Nhật và nhạc Hồng Kông, với phiên bản tiếng Việt do PPAN viết lời.

"Hiện tượng sân khấu" trở lại công diễn vở "Mộng ước không xa vời" ảnh 3Nhân vật 'đốc tờ Dung'... (Ảnh: Mai Lân)

Trở lại với “Mộng ước không xa vời” - PPAN và các cộng sự của anh tiếp tục chứng minh “HOPE” là “công trình kiến tạo tập thể” gây ngạc nhiên về tài năng và "phép thử" trong mô hình và phong cách làm việc, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Qua đó, "HOPE" hay "Mộng ước không xa vời" muốn thay đổi định kiến thưởng thức về loại hình nghệ thuật nhạc kịch từ trước đến nay: nhạc kịch không hàn lâm, mà rất dễ hiểu và giàu tính giải trí như các loại hình nghệ thuật phổ thông khác như ca nhạc, điện ảnh…

Để rồi cuối cùng, những giá trị của vở diễn không chỉ dừng lại ở tràng vỗ tay tán thưởng ngắn ngủi sau đêm diễn, hay sự thỏa mãn về trạng mái thưởng thức nghệ thuật mà là thái độ sống tích cực về sự hy vọng – Mộng ước thì luôn hiện hữu với những người tin vào nó, đặc biệt là người trẻ rằng, sống phải có niềm hy vọng và tin vào những mộng ước của chính mình.

"Hiện tượng sân khấu" trở lại công diễn vở "Mộng ước không xa vời" ảnh 4Hồng. (Ảnh: Mai Lân)

Từ hy vọng tràn trề ấy, mỗi người sẽ có thêm động lực để thực hiện những "mộng ước" của riêng mình.

Vé xem “Mộng ước không xa vời” bắt đầu được bán từ ngày 20/2 trên fanpage http://fb.com/MongUocKhongXaVoi, với giá 400.000 đồng/ vé đồng hạng và 199.000đ/ vé sinh viên./.

PPAN sinh năm 1991 tại Hà Nội, từng giành học bổng du học toàn phần 4 năm tại ngôi trường phổ thông hàng đầu Singapore là Anglo-Chinese School (Independent); 4 năm tại Đại học Hampshire College, Massachusetts, Mỹ - chuyên ngành Sân khấu - Điện ảnh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục