Hiệp định TPP và những tác động tới kinh tế châu Âu, thế giới

Hiệp định TPP giữa 12 nước xuyên Thái Bình Dương, vốn chiếm đến 40% GDP của toàn thế giới, sẽ có tác động thúc đẩy các vòng đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Hiệp định TPP và những tác động tới kinh tế châu Âu, thế giới ảnh 1Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng (phải, ngoài cùng) và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo thông báo về thỏa thuận TPP tại hội nghị ở Atlanta ngày 5/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhật báo kinh tế-tài chính hàng đầu Italy Il Sole 24 Ore có đăng nhận định việc 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 5/10 đã đạt được sự đồng thuận cuối cùng có thể đem lại những lợi ích nhất định cho kinh tế châu Âu trên nhiều khía cạnh.

Trước hết, TPP, Hiệp định trao đổi thương mại tự do giữa 12 nước xuyên Thái Bình Dương, vốn chiếm đến 40% GDP của toàn thế giới, sẽ có tác động thúc đẩy các vòng đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Hiệp định bao gồm một khối các nước chiếm 50% GDP và 1/3 giá trị thương mại toàn cầu giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ này được cho là một trong những “cơ hội vàng” để giúp châu Âu phát triển trong giai đoạn trung và dài hạn sắp tới.

Sự tạo lập của hai khối thương mại tự do khổng lồ xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trên thực tế có thể dẫn đến sự thay đổi cán cân địa-chính trị thế giới, với cuộc chơi của những nước tư bản cũ và một số nước đang phát triển, tạo một gọng lực mạnh mẽ lên khối các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, buộc họ phải hạ thấp hàng rào thuế quan và chống bán phá giá.

Điều này dẫn đến một quá trình toàn cầu hóa mới. Tác động đối với châu Âu khá lớn và tích cực, bởi EU đã ký thành công một loạt hiệp định về trao đổi thương mại tự do với một số nước thành viên TPP là Singapore, Mexico, Việt Nam, đồng thời đang cố gắng kết thúc các vòng đàm phán với Nhật Bản.

Theo Il Sole 24 Ore, với TPP và sắp tới là TTIP, bức tranh toàn cầu hóa đang được hoàn thiện, và có ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế EU, vốn chưa thoát được cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Hiệp định TPP, với Mỹ và 11 quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương, được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh quá trình đàm phán cho TTIP, trên thực tế vẫn còn một số bế tắc, do EU và Mỹ còn bất đồng về một số vấn đề.

Theo tính toán của Ủy ban châu Âu (EC), nếu TTIP được ký kết, tác động về tăng trưởng GDP đối với cả EU và Mỹ là rất lớn và có hiệu quả tức thì. EC ước tính rằng, từ khi ký Hiệp định cho đến năm 2027, GDP của cả khối EU sẽ tăng trung bình mỗi năm 0,48% (hơn 86 tỷ euro) và với Mỹ là 0,39% (65 tỷ euro). Đáng chú ý nhất là xuất khẩu của EU sang Mỹ có khả năng sẽ tăng tới 28% (187 tỷ euro) và xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu tăng hơn 36% (159 tỷ euro).

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khẳng định rằng, Mỹ đang đặt TTIP lên "bệ phóng" để đóng lại việc thương lượng và cuối cùng kết thúc bằng việc đặt bút ký trước khi ông hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được nếu như các nghị sỹ Mỹ không phản đối hoặc đòi hỏi quá nhiều sửa đổi trong văn kiện của Hiệp định. Các cuộc đàm phán TPP đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Còn các vòng đàm phán cho TTIP đã diễn ra kể từ ba năm nay. Thế nên, điều đương nhiên là TPP được ký kết trước TTIP.

Bà Cecilia Malstrom, Ủy viên châu Âu về thương mại, đã từng đưa ra một dự đoán đầy lạc quan rằng, nếu như TPP được ký kết vào tháng 10 thì một phần nội dung quan trọng của TTIP cũng có thể sẽ được thông qua trước Giáng sinh này, nếu như cả hai bên cùng tích cực thúc đẩy để san lấp những bất đồng lớn nhỏ.

Theo Il Sole 24 Ore, thời gian sẽ trả lời xem những dự đoán của bà Malstrom có đúng không, nhưng có rất nhiều lý do để lạc quan. Cho tới Giáng sinh, các bên sẽ cần phải quyết định quan điểm của họ trong bốn chương chính, về hàng hóa, dịch vụ, cung ứng và đầu tư. Cho tới nay, mới chỉ có phần nội dung về dịch vụ được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, châu Âu rất hy vọng mọi điều sẽ trở nên tích cực hơn trong thời gian tới, và những hiệp định thương mại tự do đã được EU ký kết với một vài nước trong TPP có thể có những tác động nào đó đối với Mỹ trên bàn đàm phán. Chẳng hạn, khi ký kết với Canada và Việt Nam, EU đã chấp thuận những chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo xác nhận nguồn gốc của một số sản phẩm (như nông nghiệp và hàng dệt may).

Trên thực tế, những định nghĩa về nguồn gốc sản phẩm không thực sự chặt chẽ trong khu vực thương mại Thái Bình Dương, nên điều này rất có ích cho các nhà thương thuyết EU trong việc đảm bảo những hiểu biết về nguồn gốc của sản phẩm khi đàm phán với Mỹ cho Hiệp định TTIP. Chỉ dẫn địa lý liên quan đến sản phẩm được cho là có khả năng gây bất đồng lớn trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Il Sole 24 Ore, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italy Carlo Calenda cho rằng, việc ký kết TPP "không phải là một tin tức tốt lành mà là một tin tuyệt vời. Tác động có thể cảm thấy ngay tức khắc. Việc tạo lập một khu vực thương mại tự do tại Thái Bình Dương có thể tạo đà cho việc thương lượng giữa EU và Mỹ cho Hiệp định TTIP. Nếu Hiệp định này trở thành hiện thực, chúng ta mới chỉ ở bước đầu của một quá trình phát triển thực sự."

Theo ông Calenda, việc TTIP trở thành hiện thực sẽ thúc đẩy một cơ cấu kinh tế và quan hệ thương mại tích cực nhằm tạo lập lại trật tự của toàn cầu hóa. Ông nói: "Hai Hiệp định xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương có thể có tác động kinh tế và chính trị nhằm thay đổi nhiều điều. Một trong những điều như thế là cách tiếp cận của các nước trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong nền kinh tế toàn cầu. Những nước này đã được hưởng lợi rất nhiều từ quá trình toàn cầu hóa và đã buộc nhiều nước phải trả giá theo luật chơi của họ."

Ông Calenda cho rằng "nếu TTIP thành hiện thực và kết nối với khu vực thương mại tự do Thái Bình Dương, các nước có nền kinh tế đang phát triển sẽ rất khó có thể giữ mức thuế và hàng rào thương mại cao như hiện tại với hàng hóa nhập khẩu. Họ thường xuyên ngăn chặn các sản phẩm công nghiệp từ các nước châu Âu."

Một ví dụ cụ thể được đưa ra: Brazil, nước có nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế các nước khác như Colombia, Peru hay Chile, nay đã trở thành một thành viên của TPP. Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ gần gũi về công nghiệp và thương mại với Mỹ và EU, Brazil vẫn áp dụng chính sách bảo hộ với một số lĩnh vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục