Hiệp hội MICE: Lời giải cho “nút thắt” du lịch Việt Nam?

Đã đến lúc thành lập Hiệp hội kinh doanh du lịch MICE để quản lý, hỗ trợ, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp cũng như xúc tiến, liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp nhằm kéo sự kiện lớn về Việt Nam.
Hiệp hội MICE: Lời giải cho “nút thắt” du lịch Việt Nam? ảnh 1Một trong những hoạt động ngoài trời của du lịch MICE. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đã đến lúc cần tính đến việc thành lập Hiệp hội kinh doanh du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác). Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia du lịch trong thời gian gần đây.

Cũng bởi, khi thị trường du lịch trong nước bão hòa, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang lĩnh vực MICE, nhưng năng lực kinh doanh mới chỉ tập trung ở một số hãng lữ hành lớn.

Tiềm năng gặp khó

Phát triển nở rộ ở Việt Nam từ năm 2008, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa điểm khai thác du lịch MICE khá hiệu quả. Ngoài ra, nhiều khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam thường được lựa chọn cho các chương trình du lịch MICE như Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Huế, Nha Trang, Hà Nội... với mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 20%.

Theo tính toán của các công ty du lịch, hiện nay loại hình du lịch MICE mang lại giá trị doanh thu cao gấp sáu lần loại hình du lịch thông thường; trung bình mỗi khách MICE châu Âu tiêu xài 700-1.000 USD/ngày, khách châu Á trên 400 USD/ngày. Chính vì vậy, đây sẽ là nguồn lợi lớn mà chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam phải có quyết tâm lớn để phát triển MICE thành một ngành công nghiệp mạnh. 

Là đơn vị thu hút khách MICE bằng sản phẩm team-building, ông Nguyễn Minh Mẫn đại diện Vietravel cho biết: “Đây là sự kết hợp giữa hoạt động game ngoài trời với mục tiêu, định hướng kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự gắn kết trong tập thể, nhất là các công ty có số lượng nhân viên lớn, phân bổ trên phạm vi rộng ở nhiều chi nhánh khác nhau. Sự đa dạng về điểm đến chất lượng cao cộng với tính linh hoạt và năng động của team-building đã tạo nên sức hút đối với các doanh nghiệp lựa chọn gói sản phẩm này.”

Song, khó khăn của loại hình kinh doanh MICE ở Việt Nam là còn thiếu trung tâm hội nghị có khả năng tổ chức những sự kiện quy mô lớn lên đến vài nghìn người (mới có vài trung tâm quy mô khoảng 5.000 người như Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Triển lãm Giảng Võ, Triển lãm Sài Gòn); số lượng khách sạn 5 sao những năm gần đây dù khởi công và đưa vào hoạt động nhiều nhưng không gian vẫn chưa đáp ứng được những sự kiện lớn mang tầm khu vực.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch quốc tế Hòa Bình (Hoabinhtourist & Convention) đánh giá: Du lịch MICE đang gặp hạn chế về nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu tổ chức hội nghị hội thảo cấp cao. Cơ quan chức năng nên xác định MICE là một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn để có sự đầu tư thỏa đáng.

Hiệp hội MICE: Lời giải cho “nút thắt” du lịch Việt Nam? ảnh 2Trò chơi tạo hứng thú cho du khách. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Gỡ “nút” bằng... Hiệp hội

Để giải quyết những khó khăn này, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước cho rằng, đã đến lúc thành lập một Hiệp hội kinh doanh du lịch MICE để có thể quản lý, hỗ trợ, hậu thuẫn, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp cũng như xúc tiến, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp để kéo những sư kiện lớn về Việt Nam.

“Nếu như ngay trên sân nhà đã không có sự liên kết, hậu thuẫn nhau thì doanh nghiệp Việt Nam khó có cơ hội phát triển lớn mạnh trở thành những tập đoàn lớn có có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực cũng như không thể phát triển sánh vai với các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển trên thế giới,” Nguyễn Khắc Huyền chia sẻ quan điểm.

Đặc biệt, hiệp hội chuyên về MICE sẽ góp phần hỗ trợ rất tốt cho việc xây dựng chiến lược marketing, cải thiện hạ tầng phục vụ khách MICE như: Visa, sân bay, hệ thống khách sạn… Bên cạnh đó, hiệp hội cũng giúp phân tích số liệu thông tin thị trường, thiết lập chiến lược thông tin quảng bá, xây dựng website, phát triển thương mại điện tử, mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước.

Đánh giá về tiềm năng MICE Việt Nam trong tương lai, đại diện Tổng cục Du lịch nhận định Việt Nam đủ năng lực để phát triển du lịch MICE, nhất là ba trung tâm thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Và để phát triển loại hình này, Việt Nam sẽ phải gấp rút đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá, đầu tư xây dựng thêm các trung tâm hội nghị, khách sạn lớn; cần phải có một chiến lược quảng bá đồng bộ từ cơ quan chức năng, địa phương, tới doanh nghiệp để thúc đẩy Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho du lịch MICE phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục