Hiệu quả đề án giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại mầm non công lập

Trẻ ở nhóm tuổi 6-18 tháng tuổi còn quá nhỏ nên áp lực lớn nhất đối với các trường mầm non thí điểm trông giữ trẻ là phải đảm bảo an toàn cho trẻ trong mọi sinh hoạt ở trên lớp.
Hiệu quả đề án giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại mầm non công lập ảnh 1Giáo viên Trường Mầm non Hoa Phương Đỏ, quận Gò Vấp, chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Năm học 2014-2015, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm đề án giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập.

Đây là một đề án nhân văn, phù hợp với chế độ nghỉ thai sản của người mẹ, giải quyết phần nào nhu cầu gửi con của người lao động. Nhưng để đề án này đạt hiệu quả cao thì cần có sự phối hợp triển khai đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương và các phụ huynh.


Sau một năm thí điểm, giáo viên của 13 trường mầm non thuộc tám quận, huyện (Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 12, quận 7) đã dần quen với công việc giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, phụ huynh đã yên tâm gửi con đến các trường này.

Nhà trường và giáo viên đồng lòng

Đến nay việc thực hiện đề án đã dần đi vào ổn định về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như chế độ chính sách dành cho giáo viên. Thành công lớn nhất của đề án là tạo ra sự đồng thuận giữa nhà trường và giáo viên cũng như giữa nhà trường và phụ huynh.

Khi chủ trương về thí điểm giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập của chính quyền thành phố đưa ra, tám quận, huyện đã khẩn trương lựa chọn những trường có cơ sở vật chất tốt nhất cũng như có đội ngũ giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm giữ trẻ độ tuổi này để triển khai. Sau một năm thực hiện, những lo ngại ban đầu của giáo viên đã không còn, nhiều cô mong muốn được tiếp tục gắn bó lâu dài với nhóm trẻ này ở các năm học tiếp theo.

Bà Chung Bích Phượng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, phụ trách khối mầm non, chia sẻ lúc đầu, trường nào được chọn thí điểm cũng lo ngại về việc phải làm sao để đảm bảo an toàn cho trẻ ở lứa tuổi này, nhưng thành phố đã có những bước chuẩn bị rất tốt thông qua việc mở các lớp tập huấn và chỉ đạo chính quyền quận, huyện hỗ trợ các trường sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.

Do diện tích trường không rộng nên không thể xây thêm phòng học, hai trường Mầm non Anh Đào và Phượng Hồng (quận Tân Phú) khi được chọn làm thí điểm đã không ngần ngại lấy một số phòng học của các lớp trên cũng như phòng họp của giáo viên để cải tạo cho phù hợp với lứa tuổi 6-18 tháng. Như vậy, mỗi trường sẽ giảm hơn 60 trẻ ở các lớp trên bởi cứ mỗi phòng học có diện tích trên 40m2 có thể tiếp nhận khoảng 40 trẻ, trong khi đó cũng với diện tích này chỉ có thể tiếp nhận khoảng 8 trẻ từ 6-18 tháng. Giảm số trẻ đồng nghĩa với việc giảm đi một phần thu nhập nhưng không trường nào bận tâm vì với các trường, lợi ích của trẻ vẫn là trên hết.

Mặc dù biết khi giữ trẻ ở lứa tuổi từ 6-18 tháng, giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cô Ngọc Bích (giáo viên trường Mầm non Hoa Hồng, một trong hai trường mà quận Bình Tân đang làm thí điểm) vẫn tự nguyện đăng ký tham gia.

Qua một năm đứng lớp, cô xin Ban Giám hiệu trường cho phép được tiếp tục công việc đang làm. Theo cô Ngọc Bích, trẻ ở nhóm tuổi này còn quá nhỏ nên áp lực lớn nhất vẫn là phải đảm bảo an toàn cho trẻ trong mọi sinh hoạt ở trên lớp.

Bên cạnh đó, thời gian đầu trẻ đến lớp, do xa mẹ, lạ trường nên hay quấy khóc, các cô lúc nào cũng ở trong trạng thái căng thẳng. Ngoài ra, một lớp có ba cô với tám trẻ, trong khi đó mỗi trẻ lại có giờ giấc sinh học khác nhau nên các cô cứ phải “luôn tay luôn chân.” Nhưng rồi sau vài tháng, mọi việc cũng đi vào ổn định, trẻ quen với cô nên ít quấy khóc, giờ giấc dần đi vào nền nếp, nhờ vậy các cô cũng tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi vào buổi trưa. Hơn nữa, phụ huynh lại rất nhiệt tình hỗ trợ giáo viên trong việc chăm sóc trẻ, chẳng hạn khi trẻ có dấu hiệu ho, lười ăn, phụ huynh luôn báo trước để các cô có sự chuẩn bị.

“Nếu không yêu trẻ, tâm huyết với công việc, các cô sẽ không thể vượt qua các trở ngại này,” cô Ngọc Bích tâm sự.

Phụ huynh yên tâm gửi con

Sau sáu tháng nghỉ chế độ, người mẹ phải quay lại với công việc song không phải gia đình nào cũng có điều kiện thuê người giúp việc hay nhờ ông bà chăm sóc trẻ. Do vậy, khi thành phố tiến hành thí điểm mở các lớp giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập, phụ huynh có thêm nhiều địa chỉ lựa chọn để gửi con bên cạnh các trường mầm non tư thục.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm học 2014-2015, tại các trường thực hiện thí điểm đang trông giữ 175 trẻ trong độ tuổi từ 6-18 tháng. Để số trẻ được chăm sóc tại các trường mầm non công lập tăng lên, năm học 2015 -2016 thành phố tiếp tục tăng số trường và số quận thực hiện đề án này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục