Hiệu quả phục vụ nhân dân là thước đo thành tựu của Quốc hội

Phân tích 4 cái “hơn” trong đánh giá về Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng "chính nhân dân là người thụ hưởng và cũng là người chịu đựng sai sót của Quốc hội."
Hiệu quả phục vụ nhân dân là thước đo thành tựu của Quốc hội ảnh 1Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Buổi làm việc sáng 28/3 Kỳ họp thứ 11 ghi nhận rất nhiều ý kiến đánh giá thẳng thắn, chân thực về kết quả công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước trong cả nhiệm kỳ.

Đây cũng là cơ hội, là dịp để Quốc hội và cử tri nhìn nhận một cách toàn diện, đa chiều và đầy đủ về những thành tựu, dấu ấn nổi bật 5 năm qua của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; đồng thời cũng là dịp tiếp thu những góp ý quý báu để nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, xứng đáng hơn với cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.

Bên cạnh những tình cảm sâu sắc, những ấn tượng mạnh mẽ của các đại biểu về một nhiệm kỳ đổi mới đồng bộ, toàn diện, trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân trên cả 3 mặt công tác lập hiến, lập pháp; giám sát và quyết định những vấn đề nổi bật của đất nước, nhiều đại biểu cũng đã chỉ rõ những tồn tại cố hữu, những yếu điểm cần khắc phục để hình thành một Quốc hội hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, củng cố mạnh mẽ hơn vị thế của một cơ quan tối cao, quyết định những vấn đề mang ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh đất nước.


Dấu ấn Hiến pháp 2013

Tất cả các ý kiến phát biểu tại nghị trường trong sáng 28/3 đều tán đồng với dấu ấn lớn nhất của cả nhiệm kỳ đó là bản Hiến pháp 2013 - bản hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đặc biệt đề cao quyền con người, quyền công dân và tính thượng tôn pháp luật. Hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) chia sẻ việc xây dựng và thông qua Hiến pháp 2013 như một dấu son của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII khắc ghi vào lịch sử.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng hình ảnh một Quốc hội của dân, do dân và vì nhân dân đã được thể hiện đậm nét trong cả nhiệm kỳ, nhất là tiến bộ vượt bậc trong công tác lập pháp cùng với Hiến pháp 2013. Kết quả trước hết là Quốc hội đã tự đổi mới, mỗi đại biểu Quốc hội gắn bó với nhân dân, tạo nên tầm vóc mới của Quốc hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

"Mỗi đại biểu Quốc hội luôn trong tâm thế cháy lên nhiệt huyết đưa đất nước hướng đến phồn vinh, đưa chất lượng Kỳ họp ngày càng nâng lên, để lại âm hưởng khó quên trong lòng nhân dân. Hoạt động của Quốc hội không ngừng đổi mới. Sự điều hành của Chủ tịch, Phó Chủ tịch cũng đã để lại dấu ấn nhạy bén, góp phần quan trọng tạo nên dấu ấn thành công của các kỳ họp," đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu.

Nhắc lại những kỷ niệm giờ phút thiêng liêng Quốc hội bấm nút thông qua bản Hiến pháp 2013, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tâm sự trong Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đều chung suy nghĩ, tình cảm tự hào là đại biểu Quốc hội. Khi đã là đại biểu Quốc hội ai mà không trăn trở trách nhiệm với dân, với nước, đại biểu nói.

Thực chất và khả thi hơn trong giám sát và xây dựng pháp luật

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đánh giá 5 năm chưa dài nhưng là cơ sở để đánh giá khách quan hoạt động của Quốc hội. Tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng chưa thực hiện hết quyền của Quốc hội công tác giám sát chống tham nhũng chưa cao, công tác làm luật còn thiếu tập trung, chắp vá, một số đạo luật còn chưa đi vào thực tế. Đại biểu đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý cơ quan xây dựng và thẩm tra luật nếu dự án luật đó không đi vào cuộc sống.

Nêu quan điểm việc lấy tín nhiệm người do Quốc hội bầu hoăc phê chuẩn chưa được sự đồng thuận của nhân dân vì quy định quá rối rắm với 3 mức tín nhiệm, chưa làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, đại biểu đề xuất chỉ nên quy định 2 mức: Tín nhiệm hoặc không tín nhiệm để tăng cường quyền lực của Quốc hội.

Đưa ra nhiều ví dụ phản ánh hạn chế của hoạt động ban hành Luật, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, việc chậm gửi dự thảo luật để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đóng góp ý kiến vẫn xảy ở các kỳ họp.

"Việc ban hành luật nhưng trong đó vẫn còn có những điều luật chưa cụ thể dẫn đến tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, tạo khoảng trống pháp luật, tạo cơ hội cho việc lách luật dẫn đến nhiều hệ lụy," đại biểu Huệ phát biểu.

Những tồn tại hạn chế được phân tích ở trên là nguyên nhân dẫn đến việc luật ban hành chậm hoặc không đi vào cuộc sống từ đó dẫn đến "nhờn luật" và giảm tính thượng tôn pháp luật, đại biểu nhấn mạnh.

Phát ngôn ấn tượng nhất trong buổi làm việc sáng 28/3 là phần phát biểu của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa). Góp ý cho báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội sáng 28/3, đại biểu Lê Nam cho rằng vai trò của đại biểu trong xây dựng pháp luật còn hạn chế vì nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào. Đó chính là nguyên nhân cơ bản của việc pháp luật không đi vào cuộc sống; luật thì nhiều nhưng nhân dân lo lắng về bệnh "nhờn luật" và một bộ phận trong xã hội đang đứng lên trên pháp luật, đại biểu phân tích.

Đại biểu Nam nhắc lại lần cho ý kiến về dự thảo Luật đất đai sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội tha thiết đề nghị thay đổi trong giao đất nông nghiệp, thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất ở của người dân nhưng không được chấp nhận.

"Đến khi giám sát việc nông dân bỏ ruộng và trả ruộng, chúng tôi mới thấm câu ca đã có từ lâu 'đại biểu phát biểu thì rất hay nhưng tiếp thu thì rất gay' nên xin giữ như dự thảo" ông Nam nói.

Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách

Nhiều ý kiến trong buổi làm việc đề nghị Quốc hội cần cơ cấu hợp lý hơn thành phần đại biểu tại diễn đàn lập pháp theo hướng tăng cao hơn nữa tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động của Quốc hội. Có ý kiến đề nghị Quốc hội xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đại biểu Quốc hội tích cực và không tích cực là tiêu chí đánh giá đổi mới của Quốc hội.

Bày tỏ mong Quốc hội tăng cường đại biểu chuyên trách, ddại biểu Huỳnh Nghĩa lập luận Quốc hội phải hướng đến chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng vẫn còn đại biểu chưa thực hiện tốt vai trò của mình, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân.

Đề nghị Quốc hội khóa mới nên nghiên cứu chọn đại biểu Quốc hội chuyên trách xứng tâm, xứng tầm để Quốc hội đổi mới thực sự hơn, đại biểu Huỳnh Nghĩa kết thúc phần phát biểu của mình với một gửi gắm đầy ưu tư: “Quốc hội nhiệm kỳ mới vẫn còn nặng nợ với cử tri, sự đánh giá của cử tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng cũng công bằng và độ lượng, tin tưởng mỗi đại biểu Quốc hội sẽ tự mình vươn lên vì một Quốc hội của dân, do dân và vì dân."

Mạnh dạn đề nghị Quốc hội tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên trên 40%, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) thổ lộ, cử tri nơi ông ứng cử thậm chí còn đề nghị tăng số này lên mức 60% tổng số đại biểu Quốc hội.

Hiệu quả phục vụ nhân dân là thước đo thành tựu của Quốc hội ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Cho rằng việc Quốc hội còn nặng về cơ cấu đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm có thể dẫn đến không chọn được người giỏi, đại biểu Phạm Ngọc Châu (Quảng Trị) lý giải đại biểu kiêm nhiệm có thể sẽ không phát biểu được những vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến lĩnh vực và địa phương mình công tác. Hơn nữa, Quốc hội không có đánh giá riêng đối với từng đại biểu, có chăng chỉ là cử tri đánh giá, cơ chế như vậy rất khó để đổi mới chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Châu nhấn mạnh.

Cần những đổi mới mạnh mẽ hơn

Phân tích 4 cái “hơn” trong đánh giá về Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII của đại biểu Trần Du Lịch bao gồm: đổi mới mạnh mẽ hơn; dân chủ hơn trong thảo luận và ra quyết sách; trách nhiệm hơn và được cử tri tín nhiệm nhiều hơn, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng cần lấy khả năng đáp ứng yêu cầu của nhân dân làm thước đo chất lượng hoạt động của Quốc hội.

"Chính nhân dân là người thụ hưởng và cũng là người chịu đựng sai sót của Quốc hội," đại biểu lập luận.

Nêu bật thành tựu ngoại giao nghị viện của Quốc hội nhiệm kỳ qua bên cạnh sự kiện Đại hội đồng IPU-132, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng tiếng nói Quốc hội rất quan trọng, không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà còn mong mốn hòa bình. Quốc hội cần quan tâm hơn nữa, có tiếng nói, phản ứng kịp thời hơn để đáp ứng mong đợi của cử tri.

Điểm lại 2 lần Quốc hội đón nguyên thủ quốc gia tới thăm, nhưng lại chỉ đến từ 1 nước là Trung Quốc, đại biểu nhìn nhận, diễn dàn Quốc hội là diễn đàn bày tỏ quan điểm chứ không chỉ là diễn đàn xã giao. Đại biểu đề nghị cần có chuẩn mực, quy định về việc mời nguyên thủ quốc gia tới thăm Quốc hội," đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Phát biểu suy nghĩ của mình về mong muốn, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) tha thiết: "Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và chau chuốt với những ngôn từ "tăng cường," "đẩy mạnh", "nâng cao." Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người Bí thư lăn vào cuộc sống, những Bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng có đủ những ràng buộc, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật, để những hy sinh, cống hiến của họ được đến với nhân dân," ông nói.

Kết thúc phần phát biểu của mình, đại biểu Lê Nam mượn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kính chúc các vị đại biểu khóa 13 luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và sẵn sàng tham gia đóng góp với cộng đồng bằng những "việc tử tế"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục