Hình Phước Long - nhạc sỹ nặng tình với biển đảo Trường Sa

18 ca khúc mà nhạc sỹ Hình Phước Long viết về Trường Sa đều đi vào trái tim công chúng, trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là ca khúc ''Gần lắm Trường Sa''.
Hình Phước Long - nhạc sỹ nặng tình với biển đảo Trường Sa ảnh 1Đảo Trường Sa lớn. (Ảnh:  Thế Duyệt/TTXVN)

Nhạc sỹ Hình Phước Long sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa - nơi có biển, đảo và gió trời lồng lộng. Hơn 60 năm gắn bó với tình cảm máu thịt và bằng sự tài hoa của người nghệ sỹ, ông đã sáng tác gần 20 bài hát về Trường Sa thân yêu.

Mỗi lời nhạc của ông về Trường Sa là một dòng cảm xúc, tuôn trào nhưng cô đọng, thăng hoa nhưng đằm thắm, da diết nhưng oai hùng, để mỗi khi bất cứ ai cất lên lời ca, là hiển hiện một Trường Sa không còn xa xôi cách trở; dù gian khó bên đầu sóng ngọn gió nhưng vẫn sừng sững hiên ngang và trìu mến lạ thường.

Có thể nói, Hình Phước Long là nhạc sỹ nặng tình với Trường Sa, cứ như chính ông được sinh ra là để giữ trọng trách của cuộc đời giao phó: Viết và hát cho Trường Sa.

Nhạc sỹ Hình Phước Long nghỉ hưu đã gần bốn năm. Gia tài của chặng đường mấy mươi năm hoạt động nghệ thuật của ông đến lúc này gần 400 bài hát, trong đó có 18 ca khúc viết về Trường Sa.

Nhạc phẩm đầu tiên có tựa đề ''Gần lắm Trường Sa'' viết năm 1982, cũng là bài hát ông tâm đắc nhất. Đây là tác phẩm được rất nhiều người thuộc nằm lòng.

Tiếp đó, như một mạch trào của dòng cảm hứng bất tận, ông viết: ''Gặp anh trên đảo Sinh Tồn,'' ''Tiếng hát đảo Sơn ca,'' ''Vầng Trăng nơi đảo xa,'' ''Tâm tình người lính Trường Sa,'' ''Lung linh hồn biển,'' ''Đêm trên đảo Thuyền Chài''...

Mỗi nhạc phẩm của Hình Phước Long viết về Trường Sa, gởi gắm đến Trường Sa là một cảm hứng riêng, cấu tứ riêng, nhịp điệu riêng, chủ đề riêng biệt, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là tiếng lòng của ông về nơi sóng gió nghìn trùng, về những người lính luôn can trường ở tuyến đầu Tổ quốc.

Cuối năm 2012, nhạc sỹ Hình Phước Long vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba của vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác sáng tạo nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ thế, nhiều giải thưởng cho từng tác phẩm viết về Trường Sa của nhạc sỹ đã khẳng định giá trị thật sự của chúng trong đời sống nghệ thuật, trong lòng người chiến sỹ nơi biên cương và góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng về một vùng biển, đảo và trời của Tổ quốc.

''Gặp anh trên đảo Sinh Tồn'' đạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, năm 1984. ''Vầng trăng nơi đảo xa'' đạt giải nhất cuộc thi sáng tác về Trường Sa năm 1997 của Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh; tặng thưởng giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1997.

Nhạc sỹ Hình Phước Long còn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen cho ca khúc ''Gần lắm Trường Sa'' nhiều người yêu thích giai đoạn 1975-2003...

Nhạc sỹ cho biết, chính nhờ hai câu thơ của mẹ trong lời ru thuở nằm nôi: ''Khi xa sát vách cũng xa/ Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần'' đã khiến ông nảy tứ viết nhạc phẩm ''Gần lắm Trường Sa.'' Trước đó, còn có một nguyên cớ để ông dạt dào cảm xúc viết về Trường Sa.

Dạo đó là vào năm 1980, khi là cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh (nay là thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), ông được Lữ đoàn 146 - đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa - mời giúp làm chương trình dự hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh.

Nhạc sỹ đã được những người lính vừa từ đảo về kể chuyện cuộc sống nơi đảo xa, rồi được xem phim tài liệu. Khâm phục và cảm kích về những người lính ở tuyến đầu, ông tự nhủ lòng sẽ viết một ca khúc về Trường Sa, nhưng ý tứ và cảm xúc vẫn chưa định hình, vì ông chưa được đến Trường Sa.

Hai năm sau, trong dịp dự trại sáng tác nhạc của tỉnh Phú Khánh, một chiều đạp xe trên đường Trần Phú, Nha Trang, nhạc sỹ Hình Phước Long nhìn thấy một cô gái đang hướng mắt về biển xa. Ông tự hỏi, nếu có người yêu đang làm nhiệm vụ canh giữ Trường Sa, cô gái có nghe được tâm sự của người lính gửi về từ nghìn trùng cách trở? Và một tứ nhạc bật ra: ''Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...''

Đêm đó, những ca từ dào dạt trong ông: ''Chiều Nha Trang, sao bỗng bâng khuâng, như thấy anh đang sừng sững kiên trung giữa pháo đài giữ đảo...'' Và ông đã hoàn thiện ''Gần lắm Trường Sa'' mà không phải chỉnh một nốt nhạc, một ca từ nào. Sau đó, ca sỹ Anh Đào (đoàn ca nhạc Hải Đăng), chính là người đầu tiên được ông chọn để thể hiện ca khúc này.

Năm 1984, nhạc sỹ Hình Phước Long được ra thăm Trường Sa. Chuyến đi kéo dài gần một tháng, ông lần lượt đặt chân lên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, An Bang...

Khi con tàu đưa ông và những người từ đất liền còn lênh đênh trên sóng biển, những cảm xúc về cuộc sống của người lính Trường Sa đã giúp ông cho ra đời nhạc phẩm ''Tiếng hát đảo Sơn Ca.''

Lời bài hát như lời thơ, nghe thật da diết: ''Đảo Sơn Ca vắng tiếng sơn ca. Chỉ có tiếng hát của những người chiến sỹ. Anh bỗng trở thành loài chim quý. Hát giữa đảo ngàn thay tiếng hát sơn ca.''

Trở về đất liền, ông lần lượt cho ra đời nhiều ca khúc: ''Vầng trăng nơi đảo xa,'' ''Tâm tình người lính Trường Sa...'' Những ca từ tràn đầy cảm xúc trong trẻo, hiển hiện những hình ảnh như ông từng bắt gặp: ''Đêm nay nơi Trường Sa, có một vầng Trăng sáng, Trăng sáng đến lạ thường. Ngồi đọc thư người thương, dát vàng khuông nét chữ. Đồng đội không ai ngủ, mỗi người một vầng Trăng...''

Nhân vật chính trong những nhạc phẩm viết về Trường Sa của nhạc sỹ Hình Phước Long luôn là người lính cùng những tâm tình của họ gởi về đất liền, và cả tình cảm từ đất liền gởi cho người lính nơi hải đảo.

Đầu năm 2012, người viết bài này trong một chuyến công tác ra huyện đảo Trường Sa, đã may mắn đi cùng ca sỹ Anh Đào, nữ ca sỹ đầu tiên đưa ca khúc ''Gần lắm Trường Sa'' của nhạc sỹ Hình Phước Long đến với công chúng.

Ca sỹ Anh Đào chia sẻ: "Từ khi ca khúc 'Gần lắm Trường Sa' trở thành 'bài ruột' của mình, tôi bị thôi thúc và thường ao ước được một lần ra Trường Sa để có cảm nhận thực sự từ cuộc sống nơi đó, như những gì lời bài hát đã diễn tả.''

Ca sỹ Anh Đào đã năm lần tới Trường Sa, trong mỗi lần đi diễn phục vụ các chiến sỹ nơi đảo xa, chị và các đồng nghiệp trong đoàn đều truyền tải tình yêu thương vô bờ của đất liền giành cho hải đảo và các chiến sỹ. Và khi nữ ca sỹ xứ trầm hương vút lên giai điệu ''Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...'' đều khiến họ vỡ òa. Ca khúc này thường được các chiến sỹ yêu cầu chị hát lại nhiều lần.

Nhạc sỹ Hình Phước Long là người Nha Trang. Nghỉ hưu, ông sống một cuộc sống giản dị trong căn nhà nhỏ ở thành phố biển, thanh bình bên lồng chim, cây cảnh, và trong trái tim ông luôn thân thương hai tiếng "Trường Sa."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục