Hitachi chia sẻ kinh nghiệm nhà máy điện hạt nhân

Đại diện của Hitachi đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như công nghệ mới trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân an toàn tại Việt Nam.
Theo ông Junichi Kawahata, Phó Tổng giám đốc bộ phận dự án hạt nhân (Công ty hệ thống điện Hitachi), về năng lượng, điện hạt nhân là công nghệ tốt để giảm phát thải khí cacbon, bảo vệ môi trường. Thế nhưng, vấn đề quan trọng là phải phát triển lò phản ứng hạt nhân an toàn nhất.

Sau sự cố Fukushima I, Nhật Bản đã dừng toàn bộ 54 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động để kiểm tra độ an toàn, gia cố và bổ sung thiết bị cho các nhà máy trước khi khởi động trở lại.

Trong số 54 tổ máy ấy, Hitachi có tham gia xây dựng 20 tổ máy, đấy là chưa kể 3 tổ máy đang trong quá trình xây dựng.

Giới thiệu với Việt Nam công nghệ lò phản ứng nước sôi tiên tiến (ABWR), ông Junichi Kawahata cho biết đây là công nghệ thế hệ mới nhất, được cải tiến trên cơ sở kinh nghiệm bài học từ sự cố Fukushima I. Ngoài ra, nó cũng được thiết kế phù hợp trong điều kiện của Việt Nam.

ABWR là công nghệ đã được kiểm chứng với 4 lò đang vận hành và 5 lò đang được đưa vào xây dựng. Công nghệ này đã được cấp chứng nhận tại 3 quốc gia và thời gian xây dựng là 37 tháng.

Khi nói về cơ hội hợp tác triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, phía Hitachi cho biết “chưa nói được gì nhiều,” bởi đang tiến hành trao đổi với đối tác ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình tại Nhật Bản, ông Junichi Kawahata cho hay để phát điện hạt nhân vào năm 2020, việc xây dựng nhà máy phải được tiến hành trước đó 3 năm. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn cần phải xin phê duyệt, thẩm định và cấp phép của Chính phủ-và quá trình này cũng mất 3 năm.

Do đó, “nếu trong trường hợp được lựa chọn là nhà thầu, cung cấp thiết bị thì năm 2014, Hitachi sẽ phải ký kết các hợp đồng tại Việt Nam,” ông Junichi Kawahata nói.

Đại diện Hitachi thẳng thắn cho rằng, không phải đã thành công ở Nhật Bản thì khi sang Việt Nam, Hitachi cũng thành công khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Theo ông, đây là lĩnh vực phức tạp và nếu không kết hợp chặt chẽ với đối tác, chính quyền, người dân… thì không thể thành công.

Trả lời câu hỏi liên quan tới việc liệu lò phản ứng nước sôi tiên tiến ABWR của Hitachi có chịu được rung động mạnh do động đất (nếu có) ở Ninh Thuận, ông Junichi Kawahata nói có một công ty của Nhật Bản đã ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tiến hành khảo sát địa chất. Tuy nhiên, ABWR của Hitachi được thiết kế có khả năng chịu được chấn động cao, thậm chí là cả những trận động đất lớn giống như ở Nhật Bản.

Song, ông cũng nhấn mạnh, sự cố rò rỉ hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản không phải do động đất, mà chính là sóng thần. Rút kinh nghiệm từ sự cố này, ABWR được Hitachi nâng độ cao, hệ thống cửa lò được thiết kế không thấm nước để tránh được ảnh hưởng của sóng thần, đa dạng trong phương pháp phun nước, khả năng tản nhiệt cao…

Ngoài ra, phía Hitachi cũng cho rằng, lò phản ứng hạt nhân phải bảo đảm nguồn điện dự phòng, bể trữ nước lớn... để ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố xảy ra.

Cũng theo đại diện của Hitachi, Việt Nam là một trong những quốc gia được đơn vị này quan tâm đặc biệt trong việc triển khai “Hoạt động đổi mới/cải tiến xã hội” mà phát triển năng lượng là một trong những lĩnh vực quan trọng của hoạt động này.

Thực tế, sau khi Nhật Bản được lựa chọn là đối tác để xây dựng nhà máy điện hạt nhân số hai tại Ninh Thuận, Hitachi đã thành lập “Bộ phận Dự án điện hạt nhân với Việt Nam” nhằm tăng cường các hoạt động kinh doanh cũng như hỗ trợ kế hoạch xây dựng của Việt Nam.

Để cụ thể hóa hành động của mình, ngoài việc xúc tiến gặp gỡ với các đối tác Việt Nam, từ năm 2011, Hitachi đã phối hợp với Đại học Điện lực để đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân cho cấp đại học và sau đại học. Ngoài việc cử giáo sư sang giảng dạy, Hitachi cũng cấp học bổng cho 4 nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học công nghệ công nghiệp Tokyo./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục