Hồ Gươm rực rỡ sắc hoa trong ngày hội 999 năm

Hồ Gươm hôm nay bừng lên sắc hoa tươi thắm, với hàng trăm chậu hoa, cây cảnh lớn nhỏ được trang trí uốn lượn đẹp mắt bao quanh.
Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội - Việt Nam trong ngày hôm nay, 10/10, bừng lên sắc hoa tươi thắm, với hàng trăm chậu hoa, cây cảnh lớn nhỏ được trang trí uốn lượn đẹp mắt bao quanh.

Con đường dạo ven Hồ Gươm hôm nay trở nên chật chội bởi đoàn người nối dài, già có, trẻ có và cả du khách nước ngoài, ngắm cảnh, xem hoa.

Điều đặc biệt là hoa ở Hồ Gươm dịp này nhiều và rất đẹp, nhưng không còn cảnh lộn xộn “chen hoa, đạp hoa” như đã từng xảy ra tại Lễ hội Phố hoa hồi đầu năm.

Bên những chậu hoa khoe sắc, mỗi người Hà Nội và những ai yêu Hà Nội thể hiện nét văn hóa ứng xử và cùng chung tay làm cho Hà Nội đẹp hơn, xứng danh người Tràng An thanh lịch.

Nhân 999 năm kể từ khi đức Thái Tổ Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô, khai sáng kinh đô Thăng Long và cũng tròn 55 năm ngày Thủ đô Giải phóng khỏi ách xâm lược (10/10/1954-10/10/2009), Hồ Gươm lại trở thành điểm tụ hội của muôn vạn con tim, muôn vạn tấm lòng người Hà Nội, người Việt Nam trong và ngoài nước, hướng về ngày hội lớn, ghi dấu 365 ngày trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Thong thả tản bộ, ngắm hoa, tận hưởng khí gió mát lành bên Hồ Gươm, ông Nguyễn Hiệp, 78 tuổi (131 phố Cầu Đất-Hải Phòng) xúc động cho biết, ông về Hà Nội cách đây ba ngày. Ông vốn gốc là người Hà Nội, trước kia ở 161 Phố Huế, từ năm 1948 đến nay dù về sinh sống tại Hải Phòng, ông không bao giờ quên niềm tự hào là người Hà Nội, nhất là mỗi lần được về lại Hà Nội như ngày hôm nay để sống trong không khí lễ hội và nhớ lại những kỷ niệm xưa.

Vui vẻ với câu chuyện, ông kể, cũng ngày này của 55 năm trước, khi ấy mới 15 tuổi, chính tại bờ hồ này, trong niềm vui của ngày giải phóng, ông và bạn bè cùng trang lứa được tham gia hoạt động tập thể gọi là “Chống xâm lược” - dưới hồ là mô hình các đoàn thuyền xâm lược đang đổ bộ, trên bờ thiếu niên cầm vỏ bưởi ném xuống đánh đuổi, vui lắm!.

“Kỷ niệm với Hà Nội còn nhiều lắm, như ngày Tết độc lập đầu tiên năm 1945, khi ấy, tất cả các nhà trên phố, mọi gia đình đều làm mâm cơm thịnh soạn, rồi mở cửa nhà, bày cả bàn ăn ra đường, có bạn bè, hay người qua đường đều mời dự. Không khí thật là đầm ấm, yên bình,” ông tâm sự.

Tấp nập khu Tượng đài Lý Thái Tổ

Đối diện với Hồ Gươm là khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, nơi diễn ra Lễ hội kỷ niệm 999 năm Thăng Long-Hà Nội và Công bố Năm Du lịch Quốc gia 2010 cũng nhộn nhịp và tấp nập không kém.

Tại các dàn pháo bông đang dần hoàn thiện để bắn mừng Lễ hội tối 10/10, ông Nguyễn Văn Quyền, 71 tuổi thôn Đàn Liên, xã Cao Viên (Thanh Oai) phấn khởi khoe có cả thảy 60 cây pháo bông được sử dụng cho buổi lễ, tầm bắn cao nhất lên tới 100-150m.

Để làm số pháo bông này, phải dùng cả chục cây tre, với nhiều công đoạn, riêng công chẻ và vót tre đã mất tới nửa tháng, bản thân ông Quyền cùng với khoảng 12 thợ đã phải ra “ăn ngủ” tại vườn hoa Lý Thái Tổ từ 4 hôm nay.

Đã từng tham gia nhiều lễ hội, ông rất tự hào vì Việt Nam chỉ với tranh, tre mà đọ được với cả quốc tế ở Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng. Được phục vụ một lễ hội lớn ngay cạnh Hồ Gươm, trung tâm Thủ đô, với ông là niềm hạnh phúc rất lớn, hạnh phúc được làm nghề, được phục vụ công chúng Thủ đô và du khách.

Bên “con đường hoa” ven hồ, dưới chân Tượng đài vua Lý, những cụ ông cụ bà, nam thanh nữ tú, những cặp vợ chồng với những đứa con xinh vẫn đang tìm chọn một góc hình đẹp cho bức ảnh kỷ niệm giữa hoa thắm, gió lành Hồ Gươm trong ngày hội lớn của Thủ đô và đất nước.

Cách đó không xa, những người nặn tò he-món đồ chơi dân giã từ bột gạo và phẩm màu không ngơi tay phục vụ khách hàng nhỏ tuổi. Những gian hàng giới thiệu sản phẩm như khảm trai Chuyên Mỹ, lụa Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã, quạt giấy Chàng Sơn… luôn tấp nập người vào ra.

Triển lãm kỳ thạch, gỗ lũa và cây cảnh phía sau Tượng đài Lý Thái Tổ ken kín người..., Hồ Gươm dường như đã trở thành huyền thoại, trái tim yêu của muôn vạn người Việt cũng chính từ những điều giản dị ấy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục