Hồ nhân tạo có thể là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu của ĐBSCL

Trong phát triển đô thị, cần bố trí hợp lý các hồ nhân tạo vừa làm không gian trữ nước tạm thời vừa tạo cảnh quan mát dịu cho thành phố.
Hồ nhân tạo có thể là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu của ĐBSCL ảnh 1Những khu đô thị theo hướng xanh, sạch, đẹp đã được đầu tư xây dựng tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. (Ảnh: Trường Giang/TTXVN)

“Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có tốc độ đô thị hóa nhanh với các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng giao thông mọc lên từng ngày. Rút kinh nghiệm về bài học bê tông hóa, ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn, hiệu ứng nhà kính... từ các mô hình phát triển đô thị trong nước và quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chú trọng đảm bảo không gian xanh trong kết cấu bố trí đô thị của thành phố, nhằm giữ được môi trường sống trong lành.”

Đó là phát biểu của ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ tại Hội thảo quốc tế “Thiết kế Xanh trong quản lý tổng hợp chu trình nước đô thị - Giải pháp đối với các thành phố cấp 2 ở các quốc gia đang phát triển” do Viện Giáo dục chuyên ngành Tài nguyên nước UNESCO - IHE, Hà Lan phối hợp cùng Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ tổ chức từ ngày 8 đến ngày 10/12.

Bà Hassanthi Urugodawatte Dissanayake, Đại sứ Sri Lanca tại Việt Nam cho biết, các bài học phát triển đô thị trên thế giới cho thấy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng luôn tiêu tốn khá nhiều ngân sách, thời gian thi công lâu. Chính vì thế, nếu không nghiên cứu kỹ tổng thể quy hoạch sẽ làm lãng phí tiền bạc quốc gia, việc chỉnh sửa cũng rất khó khăn, thậm chí dẫn đến tình trạng không đồng nhất, chồng chéo.

Ngoài ra, những vùng có địa thế thấp như Đồng bằng sông Cửu Long còn luôn đứng trước nguy cơ ngập úng, mất mùa, mất đất do lũ lụt và nước biển dâng. Do đó, trong chiến lược phát triển đô thị, các tỉnh thành ở khu vực này cần đặt vấn đề thích ứng với lũ lụt, nước biển dâng lên hàng đầu.

Vùng thượng lưu (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười) có vai trò giữ lũ và chuyển lũ. Chính vì thế, các đô thị cần có thiết kế thoáng với những hồ chứa nước nhân tạo, kết nối với các kênh chuyển nước để đảm bảo sự lưu thông dòng nước ổn định.

Đối với các đô thị trung tâm vùng như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc... ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt còn phải đối mặt với ngập úng do triều cường, do nước chảy về từ vùng thượng lưu trong mùa nước nổi.

Từ thực trạng đó, trong phát triển đô thị, cần bố trí hợp lý các hồ nhân tạo vừa làm không gian trữ nước tạm thời vừa tạo cảnh quan mát dịu cho thành phố. Bên cạnh đó, các đô thị này còn cần chủ động trong công tác kiểm soát ngập lụt bằng hệ thống đê bao, cống xả lũ.

Trong tương lai, các hồ chứa nước nhân tạo này không chỉ giữ nhiệm vụ trữ nước vào mùa mưa, xả nước vào mùa khô mà còn được xử lý chất lượng nước để tái sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Chính vì thế, ngay từ ban đầu cần có sơ đồ bố trí vị trí xây dựng, công suất các hồ chứa theo mật độ phù hợp để sử dụng trong chiến lược lâu dài.

Các đô thị ven biển như Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp... chịu tác động thường xuyên và trực tiếp của nước biển dâng, triều cường xâm nhập mặn, cần phát triển đô thị theo cấu trúc không gian mở, đặt công tác bảo tồn các cấu trúc tự nhiên lên hàng đầu, không chặt phá, xâm hại rừng ngập mặn, không xây dựng xâm lấn làm kiệt, bít tắc các dòng chảy của hệ thống kênh rạch, sông ngòi... vì đây chính là các lá chắn tự nhiên mang lại hiệu quả cao và lâu bền nhất trong công tác phát triển đô thị vùng địa hình trũng thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ông Tom Kompier, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết thêm, mấu chốt giải pháp cho quản lý tổng hợp chu trình nước đô thị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là cấu trúc xây dựng cơ sở hạ tầng phân tán, đảm bảo sự linh hoạt và giảm thiểu rủi ro.

Các hệ thống giữ và xả nước cần được bố trí rải đều và kết nối với nhau, cũng như kết nối với hệ thống sông ngòi. Các hệ thống này cũng cần được kết hợp với cảnh quan tự nhiên như vườn cây ăn trái, rừng phòng hộ... để tạo ra các không gian công cộng mở như công viên nội ô, khu vui chơi ven ô, giúp điều phối nguồn nước cũng như tạo các mảng “lá phổi xanh” cho địa phương...

Ngoài ra, nước thải cần được quản lý tốt bằng hệ thống xử lý tái sử dụng khép kín, tránh tình trạng xả trực tiếp ra sông hồ gây ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm cũng như hút cát trên sông cũng cần được quản lý tốt hơn để đảm bảo sự cân bằng nguồn nước ngầm và tránh nguy cơ sạt lở đất ven sông.

Do địa hình vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, chính vì thế, chính sách phát triển đô thị cũng phải mang tính đặc thù phù hợp với địa hình. Không nên xây dựng tập trung các công trình lớn, kiên cố ở một điểm, không nên lấp, lấn sông hồ để xây dựng.

Thay vào đó, cần xây dựng phân tán, đồng thời ưu tiên các vật liệu nhẹ, thân thiện với môi trường như gạch không nung, gạch từ trấu... cũng như áp dụng các mô hình nhà cửa đặc thù sông nước như nhà cao cẳng (nhà trên cọc), nhà nổi... để quy hoạch phát triển theo hướng thân thiện với thiên nhiên.

Ông Kỷ Quang Vinh cho biết thêm, hai năm qua, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai Dự án “Nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu ở lưu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Hợp phần đô thị hóa”(gọi tắt là ProACC). Đây là dự án chú trọng nghiên cứu các vấn đề kỹ thuật và quản lý xã hội để đạt đến các giải pháp ứng phó ngập úng bền vững. Dự án cũng chỉ rõ, bên cạnh việc chống ngập cần chú ý các dịch vụ sinh thái, không gian giải trí và các phúc lợi có liên quan khác.

Quy hoạch đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược phát triển đến năm 2050 sẽ đảm bảo các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng với mô hình hệ thống đô thị phù hợp, cân bằng hệ Địa - Kinh tế - Sinh thái trong cấu trúc đô thị, tôn trọng “cấu trúc đô thị nước,” thiết kế “dành chỗ cho nước,” lồng ghép giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với giải pháp quản lý thủy lợi, tiêu thoát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục