Hỗ trợ DN cải thiện trách nhiệm về niềm tin người tiêu dùng

Theo Trưởng đại diện UNIDO ở Việt Nam, hiện UNIDO đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt cải thiện trách nhiệm xã hội về niềm tin người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực.
Hỗ trợ DN cải thiện trách nhiệm về niềm tin người tiêu dùng ảnh 1May sản phẩm túi xách xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Diễn đàn trách nhiệm xã hội doanh nghiệp về niềm tin người tiêu dùng, tổ chức ngày 19/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Diễn đàn, ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) ở Việt Nam, cho rằng “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” là một tiêu chuẩn mang tính quốc tế, yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững (ISID) cho Việt Nam.

Hiện nay, UNIDO đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cải thiện trách nhiệm xã hội về niềm tin người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực thông qua những giải pháp về tiêu chuẩn hóa, trong đó có một số dự án hợp tác với Bộ Công Thương và SECO về năng lực đo lường, an toàn thực phẩm, hệ thống tìm kiếm nguồn gốc thực phẩm, đồng thời phối hợp với Bộ Y tế và WHO khuyến khích sản xuất dược phẩm tại Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) chia sẻ: Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh khi các nhà bán lẻ nước ngoài đang tích cực thâm nhập vào thị trường nội địa.

Cụ thể, thị trường phân phối và bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài lớn như Lotte, E-Mart (Hàn Quốc), AEON, Takashimaya (Nhật Bản), Aucham (Pháp)… Việt Nam mở cửa thị trường sâu rộng theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do, vừa mang lại cơ hội vừa đòi hỏi doanh nghiệp nội địa phải đổi mới chiến lược kinh doanh để giữ vững thị trường trong nước và xúc tiến thị trường nước ngoài, trong đó niềm tin người tiêu dùng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo ông Florian Beranek, Cố vấn trưởng “Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững,” các hoạt động đối thoại đa biên được xem là một công cụ hiệu quả giúp tăng cường hiểu biết chung về nhu cầu, thách thức và cơ hội của doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về niềm tin người tiêu dùng.

Hoạt động xã hội của doanh nghiệp được cải thiện sẽ tạo lợi thế nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị sản xuất. Ngoài ra, thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp còn góp phần giảm tác động tới môi trường, tài nguyên; hình thành mối quan hệ tốt giữa các bên liên quan gồm người lao động, cộng đồng, khách hàng, người tiêu dùng và đối tác kinh doanh.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng Cục Môi trường Việt Nam (VEA) cho biết, dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững đang triển khai đã tập trung xây dựng và ban hành chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, phù hợp với khung chương trình 10 năm tiếp theo của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó dự thảo còn hướng đến triển khai có hiệu quả các chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược bảo vệ môi trường; hình thành mẫu hình sản xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam, tạo tiền đề phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục