Hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Việc thực hiện tăng trưởng xanh đòi hỏi các doanh nghiệp phải tham gia trực tiếp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến tiêu dùng bền vững, sự thịnh vượng và nền kinh tế phát thải cácbon thấp.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 7/4 tại Hà Nội, Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào từ Chương trình Nghị sự 2030.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại diện Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững là một lời kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục vai trò trong hành trình tiến tới một nền kinh tế toàn cầu bình đẳng, bền vững và hội nhập hơn.

Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc tại Việt Nam là một phương pháp tiếp cận thực tế để các doanh nghiệp làm cho các Mục tiêu phát triển bền vững trở thành sự thật. Đó là một cơ hội lớn nhưng cũng là nhiệm vụ của doanh nghiệp phải tham gia.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cam kết tiên phong trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và cung cấp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam các hướng dẫn, mạng lưới, kiến thức và sự ghi nhận để làm cho các Mục tiêu phát triển bền vững được thực hiện thành công.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng một số doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam.

Hiện tại, 70 doanh nghiệp đã tham gia Hội đồng này và là những tấm gương sáng, tiên phong trong việc triển khai các sáng kiến về phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với một số đối tác quốc tế cung cấp mã số xanh cho nông dân và các hộ sản xuất ở Việt Nam.

Đây là dự án liên kết tất cả các nhà sản xuất nhỏ ở Việt Nam với các đối tác trong chuỗi giá trị toàn cầu, tránh tình trạng được mùa nhưng sản phẩm lại mất giá, không bán được ra thị trường.

Dự án này được triển khai ở Việt Nam và 19 nước trên thế giới. Hiện tại, khoảng 3000 mã số xanh đã được cấp phát cho các nông hộ, nhà sản xuất nhỏ của Việt Nam .

Biến mục tiêu phát triển bền vững thành câu chuyện thành công cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông Florian Beranek, chuyên gia chính về Trách nhiệm xã hội của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc cho rằng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc có mối quan hệ hợp tác thành công trong vài năm qua. Trọng tâm chính của sự hợp tác tin cậy là phương pháp tiếp cận đa chiều đối với "Làm kinh doanh thế nào."

Ông Florian Beranek khẳng định: "Chúng tôi tin rằng những diễn đàn như thế này có thể góp phần giúp các doanh nghiệp thực hiện bền vững và hội nhập như mong muốn. Tuy nhiên, các nhà doanh nghiệp cần được truyền cảm hứng, sáng tạo và thành công trong việc 'Thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.'”

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết Liên hợp quốc nhìn nhận rằng doanh nghiệp là một đối tác then chốt trong phát triển – luôn là như vậy và vai trò của nó sẽ là trọng tâm để đạt tới các Mục tiêu phát triển bền vững.

Các Mục tiêu phát triển bền vững đặc biệt phù hợp đối với các vấn đề phức tạp mà các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam gặp phải.

Phạm vi và phương pháp thực hiện được Mục tiêu phát triển bền vững đưa ra đòi hỏi các mục tiêu phải trở thành trách nhiệm của tất cả mọi người, cùng nhau hợp tác xây dựng các giải pháp và mang lại kết quả.

Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, để tránh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp trong đó các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí ngày càng lớn hơn do biến đổi khí hậu gây ra. Điều đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn.

Hiện nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra mạnh tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam của Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp cũng như lâm nghiệp và thủy sản.

Do vậy, việc thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp phải tham gia trực tiếp để thực hiện làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến tiêu dùng bền vững, sự thịnh vượng và nền kinh tế phát thải cácbon thấp.

Tại diễn đàn, bà Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu kinh tế độc lập đã trình bày về vấn đề lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững như thế nào để giúp các doanh nghiệp hiện thực hóa Tầm nhìn Việt Nam 2035.

Các đại biểu cũng đã thảo luận về những sáng kiến, cơ hội và thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục